Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục khẳng định “biển miền Trung an toàn”

(Dân trí) - Trước Quốc hội sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định “biển miền Trung đã an toàn”. Việc xử lý đối với những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc Formosa xả thải gây ô nhiễm đang được tiến hành và sẽ công bố công khai cho nhân dân được biết.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay 16/11, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gói gọn trả lời tất cả những vấn đề đại biểu chất vấn chiều qua trong khoảng thời gian 20 phút.

Xử nghiêm cán bộ liên quan đến Formosa xả thải

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) xung quanh lý do tại sao tháng 1/2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết luận thanh tra không thấy sai phạm ở Formosa nhưng vài tháng sau lại phát hiện tới 53 lỗi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, năm 2015 Bộ có tiến hành thanh tra đối với Formosa, kết thúc vào tháng 9/2015 và đến tháng 1/2016 thì công bố kết luận cùng với các cơ sở thanh tra khác. Thời điểm này đoàn thanh tra xác định Formosa đang trong quá trình thi công, xây dựng nên kết luận chưa phát hiện được những sai sót và “vấn đề” trong công nghệ.

Đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nặng nề môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định tổ chức gây ra sự cố đã được chỉ rõ, xin lỗi nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan trong hệ thống phải kiểm điểm trên tinh thần nghiêm túc, không né tránh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Quochoi.vn)

“Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm túc, kiểm điểm ngay từ những ngày đầu với tập thể Ban cán sự giai đoạn 2010-2015. Chúng tôi yêu cầu kiểm điểm với hình thức nghiêm túc, không né tránh từ dưới lên trên. Kết quả cuối cùng, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình lên cấp trên theo quy định về kiểm tra của Đảng, còn cấp dưới thì Ủy ban Kiểm tra đang phối hợp xem xét dấu hiệu vi phạm và xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận của cấp trên, chúng tôi sẽ công bố đầy đủ cho nhân dân được biết”- Bộ trưởng Hà hứa trước Quốc hội.

Trước những lo lắng của đại biểu Quốc hội về an toàn môi trường biển, chất lượng hải sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ ngày 22/8 ông đã công bố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung “đã an toàn” dựa trên kết quả điều tra, đánh giá, tư vấn độc lập của các chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước. Đến ngày 22/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục công bố an toàn về hải sản toàn bộ khu vực biển miền Trung.

“Lần này, một lần nữa tôi khẳng định biển miền Trung an toàn trên cơ sở phân tích trầm tích, nước đáy, nước mặt. Hoạt động thể thao, nuôi trồng thủy sản có thể tiến hành bình thường”- ông Hà nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang phối hợp với các tổ chức phân tích của thế giới để phân tích các mẫu hải sản. “Tôi tin tưởng rằng Bộ Y tế sẽ công bố toàn bộ hải sản miền Trung an toàn”- ông Hà khẳng định.

“Ngay sau khi xảy ra sự cố Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, quan tâm đến những nhu cầu thiết thực với người dân, để người dân không đói, rét, quan tâm giải quyết công ăn, việc làm. Sau khi Formosa đền bù, Chính phủ ra văn bản, có tham khảo ý kiến của người dân về đối tượng đền bù, định mức đền bù. Người dân được tham gia trực tiếp và gián tiếp vào quá trình xác định thiệt hại và đã xác định được 7 nhóm. Hiện nay 4 địa phương đang khẩn trương thực hiện, kinh phí tạm ứng giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỷ. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã tới kiểm tra, nghe người dân bày tỏ nguyện vọng, tâm tư để xem xét thêm, tính toán thêm đối tượng đền bù”-ông Hà nói thêm.

Đối với những chất vấn xoay quanh việc phục hồi hệ sinh thái, môi trường biển miền Trung cũng như khu vực lân cận, Bộ trưởng Hà cho rằng việc phục cần thời gian và có sự hỗ trợ của con người. Đồng thời với việc hỗ trợ công ăn việc làm, trong quá trình hồi phục hệ sinh thái cũng chú ý tới việc tạo sinh cảnh phong phú để thành tài nguyên trong tương lai, phát triển dịch vụ du lịch.

“Chúng tôi đã có cơ sở đầy đủ đánh giá về tổn thương sinh thái chuyển cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng người dân phục hồi môi trường biển, tạo ra công ăn việc làm mới”- ông Hà thông tin.

Xem xét lại tính liêm chính của cán bộ tài nguyên-môi trường

Tại phiên chất vấn chiều qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thẳng thắn: “Bộ trưởng thấy rằng bộ máy quản lý, cán bộ nhân viên của Bộ mình có đủ sức, liêm khiết và trình độ năng lực có đáp ứng công việc hay không? Nếu có dự án lớn nào đó mà xung đột lợi ích giữa địa phương với Bộ, giữa Bộ này, Bộ kia với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc giữa Phó Thủ tướng với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy dự án đó không thực hiện được về tài nguyên, môi trường thì Bộ trưởng có đủ dũng khí bảo lưu quan điểm của mình hay không, hay đi tới thỏa hiệp?”.

Sáng nay 16/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà xin tiếp thu ý kiến của ông Nghĩa và khẳng định sẽ xem xét lại tính liêm chính của cán bộ, nhân viên trong ngành. “Khi thấy yếu kém phải có giải pháp, xử lý quyết liệt, siết chặt kỷ cương trong đội ngũ, bộ máy cán bộ. Chúng tôi cũng sẽ rà soát, xây dựng lại chức năng nhiệm vụ, có kiến nghị trong toàn ngành, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, để một người được giao một việc, không bỏ trống và chồng chéo. Đồng thời xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ về bộ máy quản lý cán bộ về tài nguyên, môi trường từ Trung ương tới địa phương”- ông Hà cam kết.

Đối với chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) xung quanh dự án lấp sông Đồng Nai làm khu đô thị, Bộ trưởng Hà nói: “Đúng như đại biểu nói, đánh giá tác động môi trường ở dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A và dự án lấn sông Đồng Nai làm khu đô thị này có vấn đề. Cơ quan tư vấn của hai dự án đã không xem xét thỏa đáng việc đổ chất thải xuống sông, có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước, biến đổi dòng chảy cũng như gây ảnh hưởng tới lưu vực sông”.

Theo ông Hà, mặc dù dự án lấn sông Đồng Nai đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng do bức xúc của dư luận nên Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá lại ĐTM của dự án với dòng chảy của dòng sông. Hiện nay việc đánh giá lại đang được thực hiện, chưa hoàn thành do phải dựa trên yếu tố thực tế từng mùa khác nhau trong năm để làm cơ sở.

Bộ trưởng Hà thừa nhận công tác thẩm định ĐTM, công cụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư còn nhiều bất cập, chưa thật sự chặt chẽ. “Đại biểu phản ánh có tiêu cực trong thẩm định ĐTM, cấp phép xử lý chất thải, chắc chắn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra, nếu phát hiện xử lý theo quy định pháp luật”-ông nói và khẳng định, tới đây quá trình đánh giá ĐTM tại các dự án nhạy cảm, phức tạp về công nghệ có thể sẽ mời thêm các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài.

5% chưa được cấp sổ đỏ nhưng tiềm ẩn nhiều phức tạp

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cả nước đã hoàn thành được 95% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ). Tuy nhiên, 5% còn lại tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó khăn. “Số này khó khăn vì cơ chế chính sách thay đổi không theo kịp được, trong khi quy trình cấp có nhiều bất cập. Có những mảnh đất hình thành trước năm 1980 nhưng giấy tờ chưa hợp lệ hoặc những trường hợp lấn chiếm, mua bán trao tay, chủ đầu tư hoàn thành công trình bàn giao nhà rồi nhưng chậm trễ nộp giấy tờ để làm sổ đỏ. Chúng tôi cho rằng đây là việc đặc biệt quan trọng, của các cơ quan nhà nước, phải tập trung hoàn thành, đảm bảo lợi ích của những người có đất, có nhà, giảm bớt gánh nặng tố cáo, nên sẽ tập trung vào địa bàn trọng điểm, có nhiều khiếu kiện, đảm bảo công bằng. Đồng thời tăng cường thanh tra, giải quyết thủ tục hành chính và xử nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, công khai cán bộ vi phạm”- ông Hà cam kết.

Thế Kha