1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án điều chỉnh lương hưu

Trả lời ý kiến cử tri một số tỉnh về việc điều chỉnh lương hưu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, đánh giá và đề xuất các phương án điều chỉnh lương hưu cho các giai đoạn tiếp theo.

Cử tri các tỉnh Đồng Nai, Lai Châu, Phú Yên, Tiền Giang, Nghệ An, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Gia Lai, Quảng Trị, Quảng Nam, An Giang, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1985, 1990, 1994, 1995.

Đa số họ là người có tham gia các cuộc kháng chiến hiện đang hưởng mức lương hưu rất thấp hoặc cùng giữ một chức vụ, nhưng người nghỉ hưu trước năm 1993 hệ số lương thấp hơn so với người về hưu sau những năm 1993.

Cử tri cho rằng việc tăng lương hưu theo hệ số lương hưu từ trước đến nay là chưa hợp lý. Những đối tượng nghỉ hưu sớm có hệ số lương thấp, khi tăng lương lại tiếp tục thiệt thòi hơn các cán bộ nghỉ hưu thời kỳ sau có hệ số lương cao.

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, cử tri các tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét khi tăng lương cho đối tượng hưu trí, nên có một mức tăng chung bằng một số tiền cụ thể (như tăng 300.000đ, 500.000đ…) cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, vừa góp phần cải thiện đời sống các đối tượng có mức lương thấp, vừa đảm bảo công bằng.

Về vấn đề này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời cử tri các tỉnh như sau:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước năm 1995. Trong giai đoạn 2003-2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tuỳ thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002, trong đó người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về sau.

Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với mức tăng thêm 168,5% so với cuối năm 2007.

Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu nêu trên, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện và Chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ.

Tuy nhiên, do chính sách BHXH được thực hiện theo nguyên tắc đóng, hưởng, tiền lương của người lao động ở thời kỳ sau luôn có xu hướng được cải thiện hơn so với thời kỳ trước và do đó khi nghỉ hưu cũng thường có mức lương hưu cao hơn, việc điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo sự tương quan về mức lương hưu giữa các thời kỳ nhưng cũng chưa xử lý triệt để được.

Riêng đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp (bao gồm cả người nghỉ hưu trước và sau tháng 4/1993), ngày 11/11/2015, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, theo đó “Từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở...”.

Triển khai Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995 và ngày 15/7/2016, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó từ ngày 1/1/2016, tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng lương hưu có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng và tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng với mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, đánh giá và đề xuất các phương án điều chỉnh lương hưu cho các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài chính sách BHXH, đối với những người đã từng tham gia kháng chiến, người có công lao, thành tích đóng góp cho cách mạng được thực hiện các chính sách ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo Chinhphu.vn