Tăng tuổi hưu: Cẩn trọng khi điều chỉnh với lao động nữ

(Dân trí) - Việc điều chỉnh tuổi hưu của nữ lao động từ 55 lên 60 cần thực hiện trên cơ sở tính toán đầy đủ các điều kiện sức khoẻ, giới tính, công việc và theo lộ trình. Đặc biệt có thể tạo sự linh hoạt ở từng ngành nghề, lĩnh vực.


Điêu chỉnh tuổi hưu của lao động nữ cần tính tới điều kiện công việc, ngành nghề

Điêu chỉnh tuổi hưu của lao động nữ cần tính tới điều kiện công việc, ngành nghề

Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Tham vấn đánh giá tác động giới trong xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012 sửa đổi. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Đại sứ quán Úc tổ chức hôm 26/5 tại Hà Nội.

Thông tin về điều chỉnh tuổi hưu của người lao động thu hút sự quan tâm của dư luận khi tại Phiên họp của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hôm 23/4, Bộ LĐ-TB&XH đã cho biết về dự kiến phương án đề xuất nâng tuổi hưu của lao động, trong đó nâng tuổi hưu của nam lên 62 và nữ lên 60.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý trong quy định tuổi hưu hiện nay.

Theo đó, lao động nam và nữ khi bước vào tuổi lao động, tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đều như nhau. Nhưng quy định hiện nay lao động nữ nghỉ hưu trước nam giới 5 năm.

“Hậu quả là việc bố trí các công việc, vấn đề đào tạo cho nữ lao động đều phải thụt đi 5 năm. Việc về hưu sớm còn dẫn tới thực tế lương hưu của lao động nữ cũng thấp hơn nam giới. Trong khi đó, tuổi thọ nữ giới tăng cao. Nhiều phụ nữ vẫn phải làm việc sau khi nghỉ chế độ để đảm bảo các điều kiện sống” - bà Lê Thị Nguyệt cho biết.

Trao đổi về đề xuất tăng tuổi hưu của lao động nữ, bà Lê Thị Nguyệt đề nghị, để đảm bảo sự phát triển chung cho tất cả mọi mặt cũng như đảm bảo về chế độ, chính sách an sinh xã hội và các điều kiện khác thì phải xem xét cụ thể hơn về độ tuổi về hưu của lao động nữ cho hợp lý.

Bởi thực tế, ở một số lĩnh vực nhất định, nhiều phụ nữ có điều kiện để làm rất tốt nhưng còn bị hạn chế về tuổi.

Bà Lê Thị Nguyệt cho rằng, nếu cùng một lúc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 thì sẽ gây sốc và khó được chấp nhận.

“Cho nên cần có khoảng cách giãn ra, tăng dần theo từng năm cho đến khi đạt đến 60 tuổi sẽ hợp lý hơn. Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải tính đến đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Những lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp thì nên tính toán tuổi hưu sao cho hợp lý vì điều kiện sức khoẻ, môi trường và cường độ làm việc” - bà Lê Thị Nguyệt bày tỏ quan điểm cá nhân.

Tập trung vào đối tượng lao động nữ có trình độ và hoạt động trong khu vực phi sản xuất, bà Dương Thị Thanh Mai - Chuyên gia lao động việc làm, Trưởng nhóm đánh giá tác động giới của Bộ Luật Lao động cho rằng: “Người phụ nữ làm công tác nghiên cứu có khả năng lao động đến 60, 62, thậm chí 65 tuổi. Đây là điều cần toán để tránh lãng phí chất xám và kinh nghiệm”.

Bà Dương Thị Thanh Mai cho rằng, nhiều quan điểm đang ủng hộ kéo dài tuổi nghỉ hưu theo hướng lao động nam, nữ có thời gian làm việc giống nhau thì có tuổi hưu như nhau. Tuy nhiên điều này cần cân nhắc kỹ vì các yếu tố sức khoẻ, đặc điểm giới của lao động nữ.

Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng cần có sự phân biệt từng nhóm lao động, công việc, ngành nghề cụ thể trong phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ- TB&XH.

“Nếu để chung vào 1 nhóm để tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có nhiều bất cập và tác động không tốt với lao động nữ. Xu hướng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ngang bằng nam giới có thể thực hiện nếu cân nhắc kỹ các điều kiện cũng như thực hiện theo lộ trình” - ông Lê Đình Quảng nói.

Hoàng Mạnh