Đại diện BHXH VN: "Đề xuất tăng tuổi hưu nhằm đảm bảo cân đối quỹ BHXH"

(Dân trí) - “Bảo hiểm xã hội VN và Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng phương án đề xuất tăng tuổi hưu trình Chính phủ và Quốc hội nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Điều này hoàn toàn không liên quan tới lý do chi phí quản lý của bảo hiểm xã hội”.


Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, phát biểu tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 1/3 tại Hà Nội.

Giải thích thêm thắc mắc của báo giới về việc liệu có sự liên quan giữa đề xuất tăng tuổi hưu và gia tăng chi phí quản lý của ngành BHXH, ông Phạm Lương Sơn khẳng định không hề có bất cứ sự liên đới nào: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với vị chuyên gia có quan điểm như trên để mong rằng chúng ta có tiếng nói chung, bảo đảm thông tin chính xác cũng như sự hiểu biết lẫn nhau được tốt hơn”.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, BHXH VN cùng Bộ LĐ-TB&XH tham mưu cho Chính phủ, qua đó để Chính Phủ trình Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu nhằm phục vụ cho việc bảo đảm an toàn, lâu dài cho quỹ hưu trí của VN.

Phân tích về thông tin cho rằng chi phí quản lý của BHXH VN trong năm 2015 lên tới 7.407 tỉ đồng, tăng khoảng 75,8% so với năm 2014. Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định: Sau báo cáo kiểm toán 2015, BHXH VN đều định kỳ có thông tin kịp thời cho báo chí hàng tháng. Một số thông tin báo chí vừa rồi cho rằng chi phí quản lý bộ máy quá lớn, tăng khoảng 75,8% là chưa chính xác.

“Quá trình lập dự toán và trình duyệt là quá trình rất chặt chẽ, thận trọng. BHXH VN lập dự toán còn phải báo cáo, giải trình trước Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sau đó thẩm định rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu thu, chi cho BHXH VN” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Theo đó, thực chất là dự toán kế hoạch chi năm 2015 của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ có 6.560 tỉ đồng (tăng khoảng 59% so với kế hoạch 2014). Nhưng việc tăng này chủ yếu để phục vụ cho những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết của cả hệ thống BHXH.

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, những khoản chi phục vụ nhiệm vụ cấp bách và cần thiết trong năm 2014 và các năm trước đó chưa được bố trí kịp, bao gồm:

Thứ nhất, chi cho công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHXH thất nghiệp. Đây là đòi hỏi rất cấp bách. Nhờ công tác tuyên truyền này mà năm 2015, 2016 những đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã có bước phát triển ngoạn mục.

“Chúng tôi đã thực hiện được 81,7% người dân Việt Nam có BHYT và đang phấn đấu nâng tỉ lệ người lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và công tác tuyên truyền có tác động rất tích cực và hiệu quả trong việc phát triển đối tượng” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Thứ hai, chi cho đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ rất cấp bách, cần thiết.

“BHXH VN nhận được công văn thông báo của Văn phòng Chính Phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và BHXH VN nghiên cứu để báo cáo về thông tin báo chí đưa ra cho rằng chi phí của BHXH lớn và phải tính đến giải pháp kéo dài tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho quỹ BHXH. Hiện nay BHXH VN đang cùng Bộ LĐ-TB&XH dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Theo đó, thông qua việc đẩy mạnh công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, BHXH Việt Nam đã thực hiện những cải cách hành chính được ghi nhận bởi World Bank và các cơ quan báo chí. Kết quả đã giảm còn 32 thủ tục hành chính, giảm số giờ giao dịch từ hàng trăm giờ xuống còn 49 giờ và đang phấn đấu đến năm 2017 đưa số giờ giao dịch xuống còn 45 giờ.

Thứ ba, chi ứng dụng CNTT theo yêu cầu của của Quốc hội. BHXH VN phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành đúng yêu cầu của Quốc hội là đưa ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử, hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động đồng bộ, hiện đại hóa.

“Trong phiên giải trình với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sang 1/3, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nhắc BHXH Việt Nam về lộ trình này và chúng tôi đã hứa với Quốc hội, hứa với Chính phủ là sẽ thực hiện mục tiêu đã đưa ra” - ông Phạm Lương Sơn bổ sung.

Cuối cùng, theo đại diện BHXH VN, chi phục vụ trực tiếp cho đối tượng tham gia hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đây là nhu cầu rất lớn vì đối tượng tham gia tăng, đối tượng thụ hưởng tăng, mở rộng các mạng lưới đại lý thu cho BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì cũng phải tăng chi trực tiếp cho các đối tượng. Thực chất việc chi cho quản lý năm 2015 chỉ tăng có 6% so với năm 2014.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Hướng dẫn thanh toán chi phí BHYT cùng chi trả quá 6 tháng lương cơ sở

Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP HCM vừa ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở đối với người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.

Cụ thể, người có thẻ BHYT có thời gian tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có chi phí đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm đủ 5 năm liên tục sẽ được thanh toán phần chênh lệch 6 tháng lương cơ sở. Được biết, 6 tháng lương cơ sở ở thời điểm hiện nay là: 6 x1.210.000 đồng = 7.260.000 đồng. Trước đó, từ 1-1-2015 đến 1-5-2016, 6 tháng lương cơ sở là: 6 x1.150.000 = 6.900.000 đồng.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A tham gia BHYT liên tục đủ 5 năm vào ngày 31-12-2015. Ngày 1-8-2016, Ông A mang hóa đơn chứng từ đến cơ quan BHXH đề nghị thanh toán phần cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt quá 6 tháng lương cơ sở. Tổng chi phí cùng chi trả của Ông A từ ngày 1-1-2016 đến ngày 1-8-2016 là 20.000.000 đồng. Khi đó ông A sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 20.000.000 đồng - 7.260.000 đồng = 12.740.000 đồng và được cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm kể từ ngày 1-8-2016.

T.N

Khám trái tuyến không được quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục

Theo báo điện tử chinhphu.vn, bà Thu Thảo (TP HCM) cho biết: Người có thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được hưởng 100% chi phí KCB. Bà Thảo hỏi, nếu KCB trái tuyến thì có được quyền lợi đó không?

BHXH TP Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định: Người có thẻ BHYT đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện tại là: 1.210.000 đồng x 6 = 7.260.000 đồng) thì sẽ được hưởng 100% chi phí KCB.

Các trường hợp chi phí đồng chi trả KCB trái tuyến sẽ không được hưởng quyền lợi như đã nêu ở trên. Trong trường hợp người lao động đã tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 7.260.000 đồng thì cần đem thẻ BHYT, chứng minh nhân dân, hóa đơn thanh toán chi phí đồng chi trả 20%, bảng kê chi tiết KCB BHYT đến cơ quan BHXH để được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và trong trường hợp các chi phí đồng chi trả đã vượt quá 7.260.000 đồng thì sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại phần chi phí lớn hơn 7.260.000 đồng. Các lần KCB tiếp theo, cần trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh và giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thì sẽ được hưởng 100% quyền lợi KCB BHYT.

Đ.B

Tính thời gian hưởng thất nghiệp ra sao?

Ông Trương Văn Hoan ở Nghệ An hỏi: Tôi làm việc tại 1 doanh nghiệp ở Hà Nội và có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 8 năm. Vì lý do cá nhân nên sắp tới tôi sẽ xin nghỉ việc. Xin hỏi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào so với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng

Như vậy, nếu người lao động đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo quy định nêu trên.

D.T