Tai nạn lao động: Làm chết 928 người, thiệt hại 136 ngàn ngày công
(Dân trí) - Số người chết do tai nạn lao động là 928 người trong năm 2017, bằng 11 % số nạn nhân tai nạn giao thông. Số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên là 101 vụ. Trong khu vực có quan hệ lao động, hơn 45 % vụ tai nạn lao động xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động.
Tai nạn lao động trong năm 2017 còn làm tăng chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương tới 1.541 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 4,8 tỷ đồng. Đặc biệt, tai nạn lao động làm thiệt hại thời gian tới 136.918 ngày làm việc…
Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết tại cuộc Họp báo giới thiệu Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2018. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/4 tại Hà Nội.
Hơn 45% nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động
Phân tích các tai nạn có nguyên nhân từ người sử dụng lao động, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết có 3 nhóm chính: “Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6 % tổng số vụ; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31 %; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10 % …”.
Đặc biệt, tình trạng không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động là nguyên nhân chính của các tai nạn chết người.
Qua thực tế khảo sát, Cục An toàn lao động đã phát hiện nhiều doanh nghiệp chủ động yêu cầu đơn vị đào tạo cung cấp dịch vụ huấn luyện với thời gian, mức chi phí thấp hơn quy định.
Phân tích về ngành nghề, lĩnh vực xây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2 % tổng số vụ …
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Cục An toàn lao động đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rút giấy phép đối với đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có hành vi gian dối, cấu kết cùng đơn vị, doanh nghiệp để xảy ra tình trạng trên.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, khảo sát về an toàn lao động cũng cho thấy, nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tới 20 %. Trong đó, lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 16,9 % tổng số vụ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 3,1 % tổng số vụ.
Ngoài ra, hơn 34 % nguyên nhân gây tai nạn chết người là do các nguyên nhân khác như: Lý do khách quan, nguyên nhân chưa kể đến, tai nạn giao thông.
Về địa phương, TP.HCM có số tai nạn nhiều nhất với 1.517 vụ với 123 người chết, tiếp đến là Đồng Nai với 1.424 vụ với 29 người chết…
Khu vực phi quan hệ lao động - tiềm ẩn nhiều rủi ro
Điểm khác biệt trong báo cáo về an toàn lao động năm 2017 là việc bổ sung số liệu thống kê ở khu vực không có quan hệ lao động, dù mới ở mức độ ban đầu.
25 người chết vì tai nạn lao động trong toàn quân
Thống kê của Bộ Quốc Phòng, toàn quân xảy ra 62 vụ tai nạn lao động, cháy nổ, làm 25 người chết, 34 người bị thương nặng, 9 người bị thương nhẹ, thiệt hại đáng kể về vật chất và tài sản trong năm 2017. Trong đó có 11 vụ do máy móc, thiết bị, cán cuốn; 8 vụ do tiếp xúc với đạn dược, vật liệu nổ; 8 vụ do phương tiện vận tải…
Theo ông Hà Tất Thắng, trước khi có Luật An toàn vệ sinh lao động, các số liệu thống kê chủ yếu là trong khu vực có quan hệ lao động. Khi Luật có hiệu lực, phạm vi bao phủ đã mở rộng cả khu vực không có quan hệ lao động.
“Đây là một nhiệm vụ cần thiết nhưng còn mới mẻ. Trên thế giới cũng mới chỉ có rất ít quốc gia triển khai. Tuy nhiên, thực tế việc đảm bảo an toàn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động rất khó, đặc biệt là việc khai báo tai nạn” - ông Hà Tất Thắng cho biết.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước mới chỉ có 48 sở LĐ-TB&XH báo cáo về các tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động.
“Trong đó, con số 280 người chết vì tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có lẽ còn khiêm tốn. Nếu thống kê đầy đủ, số tai nạn lao động này sẽ còn lớn hơn nhiều. Bởi hơn 60 % lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực lao động không có quan hệ lao động” - ông Hà Tất Thắng cho biết.
Tổ chức Tháng an toàn vệ sinh lao động lần thứ hai
Năm 2018, Tháng an toàn vệ sinh lao động lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 1/5- 31/5. Lễ phát động cấp Quốc gia sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào sáng 6/5. Năm 2018, chủ đề Tháng an toàn vệ sinh lao động là “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Chương trình sẽ được thực hiện với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về doanh nghiệp và cơ sở.
Hoàng Mạnh