Mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam cao hay thấp?
(Dân trí) - Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,14 % và đối với nữ là 2,5%. Trong khi đó tỷ lệ hưởng lương hưu của nhiều nước chỉ khoảng từ 35% đến 50%. Như vậy rất khó để đánh giá mức đóng BHXH của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác.
Đây là ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH trong công văn trả lời ý kiến của Hiệp hội dệt may VN, khi cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam hiện nay còn cao.
Theo Bộ LĐ-TH&XH, việc so sánh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội giữa các nước khác cần được đánh giá trong mối quan hệ với quyền lợi và tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động và thân nhân người lao động.
Phân tích cho thấy, xét về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao trong khu vực với tỷ lệ đóng là 27,5%, cụ thể: 3% đóng vào quỹ ốm đau - thai sản; 0,5% đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 22% đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và 2% đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên mức đóng này còn thấp hơn nhiều nước Châu Á như: Singapore có mức đóng là 37%, Trung Quốc là 38,5% và Ấn Độ là 35%.
Đồng thời, việc tính toán chi phí đóng BHXH giữa các nước có sự khác nhau. Cụ thể ở Việt Nam, người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp vào quỹ BHXH để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, với một số nước như Indonesia, Malaysia và Singapore, việc thực hiện các quyền lợi ốm đau, thai sản, thất nghiệp đối với người lao động phụ thuộc vào chi phí của người sử dụng lao động.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ bảo hiểm xã hội mà cho rằng chi phí bảo hiểm xã hội cao, dẫn đến tăng chi phí doanh nghiệp là chưa chính xác.
Bởi chi phí cao hay thấp được quyết định bởi mức đóng được xác định bằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và nền tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Thực tế ở Việt Nam nền tiền lương đóng chủ yếu dựa trên mức lương cơ bản và có khoảng cách khá xa với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động. Tỷ lệ đóng cao nhưng nền đóng thấp thì mức đóng cũng không cao.
Ngoài ra, so sánh với việc thiết kế các các chế độ và quyền lợi mà người lao động và thân nhân người lao động được hưởng thì tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam cao, theo đó các quyền lợi mà người lao động được hưởng cao.
Cụ thể: Quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản ở Việt Nam được đánh giá cao so với các nước trong khu vực; đối với chế độ hưu trí thì Việt Nam có tỷ lệ hưởng cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.
Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tỷ lệ tích lũy đối với nam là 2,5% và đối với nữ là 3% (kể từ ngày 01/01/2018 thì tỷ lệ tích lũy có điều chỉnh giảm dần xuống còn 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ).
Trong khi đó tỷ lệ hưởng lương hưu của các nước chỉ khoảng từ 35% đến 50%, tỷ lệ tích lũy bình quân trên thế giới là 1,7% (đặc biệt Trung Quốc, Hàn Quốc là 1%).
Như vậy theo Bộ LĐ-TB&XH, từ những so sánh nêu trên cho thấy rất khó để đánh giá mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, việc đánh giá tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét trong việc xác định mô hình bảo hiểm xã hội tại mỗi nước; mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động.
Hoàng Mạnh