1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu 2018: “Đề xuất tăng cách nhau 8 % là bình thường”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí sáng 18/7, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - cho biết, việc đề xuất trong kỳ họp trước đây cách nhau 8 % giữa các bên là điều bình thường. Kết quả chính thức còn chờ vào cuộc họp vào 28/7 tới đây.

Trước đó, cuộc họp hôm 27/6 tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã phần nào lộ diện những đề xuất của các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, dù có sự khác nhau về phương thức thể hiện.

Đại diện cho người lao động, Tổng LĐLĐ VN chủ động đề xuất mức tăng 13,3 % so với lương tối thiểu năm 2017. Đề xuất này tương đương với việc tăng từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 4 vùng lương. Trong khi đó, đại diện cho giới chủ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng vẫn đang nghiên cứu phương án tăng cụ thể.

Tuy nhiên qua một số kênh thông tin cho thấy, VCCI đang quan tâm tới mức tăng lương tối thiểu năm 2018 vào khoảng 5 %. Nếu tạm coi mức đề xuất của 2 bên là 13,3% và 5 %, như vậy khoảng cách còn khá lớn với hơn 8 %.

Lương tối thiểu 2018: “Đề xuất tăng cách nhau 8 % là bình thường” - 1

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Đánh giá về mức chênh lệch trong đề xuất tăng lương của cuọc họp hôm 27/6, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: “Trong cơ chế thị trường, sự căng thẳng trong đàm phán tăng lương tối thiểu giữa các bên là điều bình thường. Mỗi bên đều có lý do riêng của mình. Tổng LĐLĐ VN luôn kỳ vọng làm sao tăng lương cao để đảm bảo đời sống của người lao động. VCCI lại quan tâm tới mức tăng sao cho doanh nghiệp đảm bảo khả năng chi trả, năng lực cạnh tranh và lợi nhuận”.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn 2 bên thương lượng để đạt được điểm cân bằng chung.

"Nếu nâng tiền lương tối thiểu lên quá cao, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp thì có nguy cơ doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động. Như thế, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm. Trong khi đó, nếu lương tối thiểu tăng thấp sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Khi được hỏi ý kiến cá nhân về mức tăng lương cụ thể nào là hợp lý trong năm 2018, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng sẽ khó đưa ra khi 2 bên còn đang thương thảo. Đặc biệt khi thời gian đàm phán tăng lương hiện vẫn còn và Hội đồng tiền lương Quốc gia đang chờ xem các bên trình phương án cụ thể ra sao trong cuộc họp hôm 28.7 tới đây.

Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hội đồng tiền lương vẫn “thòng” một phương án trong tình huống xấu nhất: “Theo quy chế của Hội đồng tiền lương Quốc gia, nếu các bên không thống nhất được phương án chung và đã hết quyền xin dừng cuộc họp, Chủ tịch hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chủ động trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu tới Chính phủ”.

Tiền lương tối thiểu vận hành theo cơ chế thoả thuận

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: “Cơ chế của Hội đồng tiền lương Quốc gia là đối thoại. Chúng tôi mong muốn, mọi thành quả của kinh tế xã hội đều được chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp. Sự phát triển quốc gia không có nghĩa là người lao động có thu nhập thấp, doanh nghiệp có thể thặng dư và lợi nhuận cao. Đồng thời, sự phát triển của quốc gia không có nghĩa là doanh nghiệp mất đi khả năng chi trả và cạnh tranh, đồng thời người lao động có tiền lương quá cao. Sự phát triển lành mạnh quốc gia là tìm được sự cân bằng, 2 bên có thể chấp nhận được”.

Hoàng Mạnh