1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Lương tối thiểu không nên được xác định trên năng suất lao động”

(Dân trí) - Theo Tổng LĐLĐ VN, mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018 là 13,3 % bởi thực tế có hơn 55% người lao động đang nhận định lương tối thiểu 2017 còn thấp. Đồng thời, lương tối thiểu vùng không nên được xác định dựa trên năng suất lao động.

Mức tăng lương 2017 còn thấp

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, khảo sát của Tổng LĐLĐ VN về việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng 2017 cho thấy: Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 trung bình 7,3% đã được các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt, hầu hết người lao động đã được điều chỉnh bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng, tính cả tỷ lệ qua đào tạo.

Tiền lương thực tế của người lao động hết quý I năm 2017 (sau điều chỉnh) đã tăng 8,1%, cao hơn mức tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 8,02%; doanh nghiệp FDI tăng 5,0%.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng, kết hợp thực hiện thang bảng lương mới theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP nên quỹ lương tăng 15,2%, chủ yếu là bù đắp mức đóng bảo hiểm cho người lao động có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng.


Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu 2018.

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu 2018.

Tuy nhiên trong đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2018, Tổng LĐLĐ VN cho rằng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhiều kỳ vọng của người lao động.

Điều này được khẳng định qua một khảo sát vừa được Tổng LĐLĐ VN thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố và 3 ngành với 2.550 phiếu hỏi người lao động.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.386 phiếu khảo sát trong 64 doanh nghiệp và 1.164 phiếu công nhân nhà trọ, với 88,3% lao động trực tiếp sản xuất; thực hiện 15 cuộc tọa đàm, với 362 đại biểu.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc tăng lương tối thiểu năm 2017 chưa đáp ứng mong muốn của đa số người lao động. Có 55,3% người lao động cho rằng việc tăng lương tối thiểu năm 2017 còn thấp.

Với mức điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2017 thấp hơn nhiều so với các năm trước đó, Tổng LĐLĐ VN cho rằng tác động đến chi phí, sản xuất kinh doanh không nhiều, doanh nghiệp phát triển ổn định.

Năng suất lao động xác định lương tối thiểu?

Trong các đề xuất gửi Hội đồng tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐ VN cho rằng, không nên lấy năng suất lao động làm căn cứ để xác định tiền lương tối thiểu.

Bởi theo phân tích của Tổng LĐLĐ VN, năng suất lao động là yếu tố để xem xét, xác định tiền lương trung bình của người lao động.

Bên cạnh đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xác định và công bố lộ trình đến năm 2018 hoặc 2019 tiền lương tối thiểu của người lao động phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Để đảm bảo tính khách quan, Tổng LĐLĐ VN đề nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức sống tối thiểu theo kết quả tính toán của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho năm 2018 - 2019.

Bên cạnh đó, đánh giá của Tổng LĐLĐ VN cho thấy, khoản tiền thuê nhà và tiền trích từ lương để đóng bảo hiểm xã hội đã chiếm khoảng 20% tiền lương tối thiểu của người lao động.

Theo ông Mai Đức Chính, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần phải tính toán, điều chỉnh tỷ lệ % phi lương thực, thực phẩm theo hướng tăng lên khi xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Phân tích của Tổng LĐLĐ VN: “Tạm thời, Tổng LĐLĐ VN cơ bản nhất trí sử dụng phương pháp và các căn cứ để xác định mức sống tối thiểu của người lao động dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu mà Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất khi xây dựng phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2017”.

Hoàng Mạnh