1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đào tạo lại: Vì doanh nghiệp hay người lao động?

(Dân trí) - “Nhìn chung thị trường lao động Việt Nam còn nhiều bất cập về cung cầu, đào tạo chưa gắn với yêu cầu của thị trường, chất lượng lao động còn hạn chế. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có việc làm kém bền vững chiếm tỷ trọng lớn, thất nghiệp của thanh niên còn cao…”

Đào tạo lại: Vì doanh nghiệp hay người lao động? - 1

Đây là nhận định của ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng và sử dụng lao động. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH diễn ra ngày 13/6 tại Hà Nội.

Đào tạo lại vẫn nhiều

Theo ông Tào Bằng Huy, xu hướng thất nghiệp của lao động có trình độ ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vì cơ cấu ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Trong khi đó, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế luôn thay đổi nhưng các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế của doanh nghiệp.

“Lao động qua đào tạo không phù hợp và yếu về kỹ năng, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh kịp thời biến động, chưa thu thập đầy đủ và thường xuyên thông tin việc làm, công tác dự báo trung và ngắn hạn còn hạn chế…” - ông Tào Bằng Huy cho biết.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hết quý 4/2017, cả nước có hơn 1,07 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 3,6 nghìn người so với quý 3/2017. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm xuống còn 2,21%. Cơ cấu số người thất nghiệp dài hạn trong tổng số người thất nghiệp chiếm 24,8%.

Theo bà Lan Anh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng thương mại và công nghiệp VN, VCCI) - các nhà đầu tư nước ngoài còn đánh giá chưa cao về chất lượng lao động Việt Nam

Cụ thể, khoảng 31% doanh nghiệp FDI được hỏi cho rằng chất lượng lao động tạm đáp ứng được nhu cầu của họ. Còn lại khoảng 64 % doanh nghiệp cho biết chất lượng lao động chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng.

Trong khi đó, doanh nghiệp phải chi phí ngày càng nhiều cho công tác đào tạo lại. “Năm 2013, chi phí trung bình cho hoạt động đào tạo lại lao động tại doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3,6% tổng chi phí kinh doanh. Nhưng tới năm 2014 đã tăng vọt lên 5,9% và hiện vẫn chiếm ở mức 5,7% vào năm 2017” - bà Lan Anh cho biết.

Việc tăng chi phí đào tạo có thể do sự dịch chuyển của doanh nghiệp sang hướng sản xuất các sản phẩm giá trị tăng cao hơn, đòi hỏi người lao động cần được đào tạo tăng cường chuyên sâu.

Tuy nhiên theo bà Lan Anh, các chỉ số khác về chất lượng lao động cũng cho thấy sự thay đổi này phần nào phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với trình độ tay nghề còn hạn chế của lao động địa phương.

Doanh nghiệp - chủ thể đào tạo nghề

Chia sẻ thực trạng về chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cũng cần tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, đủ giúp tăng lợi ích cho chính mình.

Theo ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), số doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho lao động có tỷ lệ trung bình là 36,29%, cao nhất ở nhóm doanh nghiệp FDI 56,57%.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt 9,11%, cao nhất là nhóm doanh nghiệp nhà nước 23,54%.

“Các doanh nghiệp chủ trương tự đào tạo nghề cho lao động nhiều hơn việc hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp” - ông Đào Văn Tiến cho biết.

Ông Đào Văn Tiến nhận định, tỷ lệ doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho lao động mới dừng ở mức 36,29% cho thấy việc chưa thực hiện nghiệp túc quy định của Điều 60 Bộ luật Lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

“Nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo kết quả đào tạo nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, trong báo cáo hằng năm về lao động của doanh nghiệp cũng không được thực hiện đầy đủ” - ông Đào Văn Tiến nói.

Đứng ở góc độ nhà tư vấn tìm kiếm các giải pháp nhân sự, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đã và đang gặp nhiều thách thức lớn sự sự hội nhập, ảnh hưởng của các chính sách mở cửa từ những hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là tác động của công nghiệp 4.0.

Để rút ngắn khoảng cách, giúp công tác tuyển dụng thành công nhiều hơn, đại diện Navigos Seacrh tại Hội nghị gợi ý: Từ góc độ Chính phủ, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư, phát triển chiến lược nhân sự; cung cấp các phân tích dự báo xu hướng thị trường lao động. Đồng thời xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp.

“Ở góc độ doanh nghiệp, điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động cung cấp các chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học trở nên thực tiễn hơn, xây dựng chiến lược thu hút nhân tài và thương hiệu tuyển dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đào tư mạnh vào công tác đào tạo và phát triển nhân lực” - bà Nguyễn Phương Mai cho biết.

Chú trọng mô hình “Trường trong doanh nghiệp”

Theo ông Đào Văn Tiến, mô hình trên nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp trong việc cung cấp những thợ bậc cao, kỹ sư lành nghề kèm cặp các học viên trên những thiết bị máy móc của doanh nghiệp.

“Học viên sẽ đảm trách những công việc từ đơn giản đến trung bình. Chương trình học sẽ được phát triển bởi sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên mô hình này sẽ gặp trở ngại nếu không làm rõ được hiệu quả, lợi ích của quá trình đào tạo này với doanh nghiệp” - ông Đào Văn Tiến cho biết.

Hoàng Mạnh