1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ LĐ-TB&XH lo ngại xu hướng nhận BHXH một lần tăng

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, qua 9 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho gần 1.100.000 người, trong đó tại việc làm trong nước đạt hơn 1.008.000 người, xuất khẩu lao động đạt khoảng 88.000 người. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng lo lắng về tình trạng gia tăng số người nhận BHXH một lần.


Bộ LĐ-TB&XH công bố kết quả 9 qua tháng thực hiện chính sách lao động việc làm.

Bộ LĐ-TB&XH công bố kết quả 9 qua tháng thực hiện chính sách lao động việc làm.

Chiều 20/9, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp báo công bố kết quả lao động, người có công và xã hội qua 9 tháng đầu năm 2017.

Nhận định về hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Quỹ hỗ trợ quốc gia về việc làm, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Trên 40.000 lao động được hỗ trợ tạo việc làm, tăng 40 % so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức 560 phiên giao dịch việc làm. Trung bình mỗi phiên có 25-30 doanh nghiệp và khoảng 400-450 người tham gia, trong đó có 200-250 lao động được sơ tuyển.

Theo BHXH VN, cả nước có 13,411 triệu người tham gia BHXH, chiếm 24,6 % lực lượng lao động, trong đó có 13,17 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 241.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Về bảo hiểm thất nghiệp, cả nước có 11,28 triệu người đăng ký, chiếm 20, 69% lực lượng lao động.

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, thị trường lao động việc làm trong 9 tháng qua có một số điểm đáng chú ý, như: Tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ tại nhiều doanh nghiệp FDI; tình trạng lao động nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng…

Về xu hướng nhận BHXH một lần đang gia tăng, thứ trưởng Đào Hồng Lan cảnh báo: “Chúng ta đều biết, BHXH là một trong các chính sách trụ cột của hệ thống an sinh quốc gia. Nếu người lao động không lưu ý tham gia BHXH, nguy cơ sẽ gặp những khó khăn khi về già cũng như tạo thêm gánh nặng cho xã hội”.

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, chế độ bảo trợ xã hội chỉ áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và khoảng 300.000 đồng/người/tháng: “Do đó, nếu người lao động nhận BHXH một lần mà không tham gia BHXH sẽ ảnh hưởng tới tình trạng an sinh xã hội nói chung và cuộc sống người lao động nói riêng”.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, việc nhận lương hưu có lợi hơn nhận BHXH một lần. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến xây dựng chính sách mới về BHXH, tiền lương và người có công. Dự kiến đầu năm 2018, Bộ sẽ trình dự thảo.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

TP HCM: Xúc tiến cấp mã số BHXH cho hơn 6,5 triệu người

Theo BHXH TP HCM, thành phố hiện có khoảng 6,5 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT. Theo quy định đổi số sổ BHXH và số thẻ BHYT, những người tham gia BHYT phát sinh từ ngày 1/9 sẽ được thực hiện cấp thẻ BHYT mới theo mã số BHXH.

Về cơ bản, các đổi tượng sẽ gồm: Trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh - sinh viên, người tham gia BHYT theo hộ gia đình, người nghèo, cận nghèo, người cấp lại, đổi thẻ BHYT. Cũng theo hướng dẫn của BHXH TP HCM, Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT mới theo mã số BHXH mới, người tham gia có thẻ BHYT đã cấp theo cấu trúc mã thẻ cũ mà còn giá trị sử dụng thì tiếp tục được dùng để đi khám chữa bệnh BHYT theo quy định. Với những trường hợp dữ liệu thẻ BHYT chưa đúng với quy định hoặc hồ sơ, chứng từ thực tế (thời điểm lập danh sách báo giảm, số tiền đóng, mã đối tượng, mức hưởng, thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục), cơ quan BHXH sẽ bố trí cán bộ phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra và giải đáp ngay mọi thắc mắc. Cơ quan BHXH có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục để giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm đúng quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh theo quy định.

L.G

Hà Nội: Phấn đấu “phủ kín” chính sách BHYT tới học sinh, sinh viên

Theo BHXH Hà Nội, trong năm học 2017-2018, thành phố phần đấu đạt 100 % học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Thống kê của BHXH Hà Nội, cho thấy: Năm học 2014- 2015 và 2015- 2016 đều đạt mức trên 88% HSSV tham gia BHYT. Năm học 2016 - 2017, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng lên 90,77%; trong đó. Toàn thành phố vẫn còn 158.976 HSSV chưa tham gia BHYT. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số đơn vị số tham gia còn hạn chế: Huyện Ba Vì mới đạt 61,08% HSSV tham gia BHYT, huyện Quốc Oai (71,62%), huyện Phúc Thọ (79,44%)…

Theo ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc BHXH Hà Nội, nhằm thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan đã sớm ban hành Hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV năm học 2017- 2018 gửi tới BHXH các quận, huyện và các cơ sở giáo dục trên toàn Thành phố. Đồng thời, BHXH Thành phố đề nghị các nhà trường phải hết sức linh hoạt phương thức thu phí để giảm nhẹ gánh nặng đóng góp cho phụ huynh vào đầu năm học. Đối với SV mới nhập học, HS chuyển cấp, mới vào lớp 1, BHXH sẽ thu phí BHYT những tháng còn lại của năm 2017, thời hạn sử dụng thẻ ghi tương ứng với số tiền nộp. Những HSSV đã thu BHYT theo năm tài chính , BHXH sẽ tiếp tục thu vào cuối năm 2017. Nhà trường có thể thu BHYT 6 tháng hoặc 12 tháng/lần; chỉ thu phí BHYT 12 tháng/lần khi HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng…

K.L

Mức hỗ trợ học nghề với người thất nghiệp ra sao?

Ông Trần Tiến Duật (Thái Bình) hỏi: Sang tháng tới, con tôi sẽ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và chọn 1 nghề để học theo chế độ hỗ trợ. Tuy nhiên mức hỗ trợ học nghề đối với người nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ ra sao?

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

T.A