Báo động tình trạng sa thải lao động nữ trên 35 tuổi
(Dân trí) - “Tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay”.
Đây là một phần nội dung báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thừa uỷ quyền của Chính phủ, gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội tuần đầu tháng 9. Qua đó cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới hiện nay.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018.
Cụ thể là khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam chỉ giảm 2% trong khi lao động nữ giảm tới 10% so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017.
Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, mặc dù việc thực hiện chỉ tiêu này hàng năm đều được đánh giá đạt, song chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững.
Nguyên nhân do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao.
Dẫn chứng của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, khoảng 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương/công và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,58 triệu đồng so với nam là 5,19 triệu đồng).
Nghiên cứu các chính sách ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động
Cũng liên quan tới tình trạng trên, từ đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã từng cảnh báo về tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ sử dụng lao động trẻ tuổi.
Theo đó, đa số lao động không được đào tạo bài bản và được đưa vào việc làm ngay. Sau vài năm làm việc với lương và mức đóng BHXH tăng dần, không ít người lao động có nguy cơ bị đào thải. Doanh nghiệp lại tuyển lao động mới vào với mức lương và mức đóng BHXH thấp.
“Khi rời khỏi các doanh nghiệp này, người lao động đã 30-35 tuổi. Họ sẽ khó tìm việc có thu nhập cao vì trình độ tay nghề gần như không có. Người lao động có nguy cơ cao khi phải đối mặt với thực tế quay trở về khu vực nông thôn và làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đề xuất các chính sách ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lao động lâu dài hơn, trước hết là chính sách trong quá trình tuyển dụng và sa thải, nghỉ việc người lao động.
Hoàng Mạnh