1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

HLV Quân đội nói gì về việc thiếu đạn tập của Hoàng Xuân Vinh?

(Dân trí) - Trước nhiều thông tin về việc nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh không có đủ đạn trong các buổi tập, Thượng tá Hồ Thanh Hải, HLV bắn súng Quân đội khẳng định Xuân Vinh gần như được đảm bảo đầy đủ đạn để tập. Tuy nhiên, với nhiều VĐV ở các địa phương khác thì có tình trạng không có đủ đạn tập, phải bắn bia giấy…

Từ thực trạng của bắn súng Việt Nam…

Thông tin ba tháng trước đây, đội tuyển Bắn súng quốc gia phải tập với súng không có đạn. Cụ thể hơn, các xạ thủ chỉ giơ súng lên ngắm, rồi hạ xuống chứ không bắn vì không có đạn, khiến nhiều người bị sốc.

Thực tế chuyện thiếu đạn tập ở đội tuyển bắn súng không phải bây giờ mới được báo chí nói tới. Ở hầu hết các địa phương, trường bắn không có hoặc có thì cũng rất lạc hậu. Chẳng hạn như ở Quảng Ninh, trường bắn chỉ rộng khoảng hơn 10m. Để có chỗ nằm bắn cho thoải mái hơn, nhiều VĐV xách súng ra nằm ở …vỉa hè.

Còn ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội), tình trạng thiếu đạn, thiếu súng, không có bia điện tử là có. Một VĐV bắn súng chia sẻ: “Ở trung tâm bây giờ chúng tôi tập mà không có đạn. Nói chung là tập mà không có đạn thì tập khan, khác nhau hoàn toàn. Mình có đạn thì có độ nẩy và độ giật, còn tập khan thì không có chút độ nẩy nào, súng chỉ có di vào tường thôi. Mình chỉ có cố làm sao được cảm giác được động tác thôi”.


Hoàng Xuân Vinh không được trang bị điều kiện tốt nhất ở Việt Nam

Hoàng Xuân Vinh không được trang bị điều kiện tốt nhất ở Việt Nam

Khi mà cả thế giới đã sử dụng các thiết bị điện tử, vừa chuẩn xác, vừa nhanh vì điểm hiện lên ngay trên màn hình, thì trường bắn Nhổn có những ròng rọc kéo bia giấy về rất mất thời gian, lại phải phân công nhiều trọng tài đứng kiểm tra, ghi điểm.

Nhiều năm qua, các xạ thủ luôn tập luyện rất cầm chừng vì không có đủ đạn để bắn. Thực ra, vẫn có đạn loại 2 với chi phí rẻ, nhưng một số xạ thủ trụ cột tâm sự, bắn đạn rởm nhiều khi ức chế, lại chẳng thể "lên tay" được. Bởi thế, mỗi lần được đi tập huấn nước ngoài là các xạ thủ "mừng như bắt được vàng" vì được bắn đạn "xịn" thoải mái.

Tới trường hợp của Hoàng Xuân Vinh

Thượng tá Hồ Thanh Hải, HLV bắn súng Quân đội khẳng định Xuân Vinh gần như được đảm bảo đầy đủ đạn để tập, không có chuyện thiếu đạn hay càng không có chuyện Xuân Vinh phải hạn chế tập bắn, cầm súng lên và bắn vào... tường: “Tôi có thể khẳng định Hoàng Xuân Vinh luôn được Quân đội chăm sóc tốt nhất.

Bên cạnh việc cấp súng tiêu chuẩn thế giới, thì đạn không thiếu. Thường mỗi buổi tập của Xuân Vinh sẽ bắn khoảng hơn 100 viên, còn những buổi tập nâng cao theo chỉ đạo của HLV có thể thấp hơn một chút".

HLV Thanh Hải thừa nhận ở hầu hết các địa phương đang gặp khó khăn về chuyện súng ống, đạn dược: “Tính trung bình mỗi viên đạn đạt chuẩn có giá 30.000 - 50.000 đồng. Như vậy nếu bắn khoảng hơn 200 viên/1 ngày như của Xuân Vinh thì cũng mất 10-15 triệu đồng. Một đội tuyển bắn súng có khoảng vài chục VĐV thì nhân lên số tiền sẽ là không nhỏ.


Thượng tá Hồ Thanh Hải chia sẻ với Dân trí về những khó khăn của bộ môn Bắn súng Việt Nam

Thượng tá Hồ Thanh Hải chia sẻ với Dân trí về những khó khăn của bộ môn Bắn súng Việt Nam

Tuy nhiên với trường hợp của Xuân Vinh thì lại hoàn toàn khác. Không phải bây giờ mà nhiều năm trở lại đây Xuân Vinh không bao giờ thiếu đạn tập. Với việc được tham dự Olympic 2016, Xuân Vinh cùng đồng đội Trần Quốc Cường càng được đầu tư".

Còn đủ đạn "xịn" để tập, nhưng chuyện bia giấy thì HLV Quân đội thừa nhận đây là sự lạc hậu của thể thao Việt Nam: "Ở Trung tâm Nhổn các VĐV như Xuân Vinh vẫn phải tập bia giấy. Việc tập bia giấy nhưng thi điện tử chắc chắn ảnh hưởng đến thành tích.

Nhiều VĐV trẻ khi ra quốc tế thi đấu đã bị ngợp khi phải làm quen với thiết bị hiện đại. Giải pháp giải quyết vấn đề này là Xuân Vinh được đưa ra nước ngoài tập huấn, hoặc ngay cả ở trung tâm thể thao của Quân đội cũng có bia điện tử, dù không đầy đủ".

Được biết, bộ môn bắn súng đã trình lên cấp trên kế hoạch xây dựng trường bắn mới, trong đó việc lắp đặt các thiết bị tự động là rất cần thiết với nhu cầu tập luyện, thi đấu hiện tại. Song song với kế hoạch này, bộ môn cũng sẽ giúp các VĐV có nhiều hơn nữa những chuyến tập huấn nước ngoài, coi đó là cách nhanh nhất giúp các xạ thủ làm quen với thiết bị hiện đại, luật thi đấu mới trước mỗi giải đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên, bài toán về kinh phí đang thực sự nan giải không chỉ với băn súng mà với cả ngành thể thao.

Thùy Anh

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016