1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam nói gì về việc Mỹ cân nhắc tái gia nhập TPP?

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các nền kinh tế có thể tham gia Hiệp định TPP sửa đổi sau khi Hiệp định đi vào triển khai, trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Chiều nay (19/4), tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra các thông tin xung quanh việc Tổng thống Donal Trump cân nhắc đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo bà Thu Hằng, Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại mở. Do đó, các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.

Hôm 12/4, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow nghiên cứu đưa Mỹ tái gia nhập TPP, nếu đạt được thỏa thuận tốt hơn cho nước này.

Tuy nhiên, đến ngày 17/4, Tổng thống Donald Trump lại viết trên Twitter rằng ông không thích Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Mỹ.

“Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi trở lại TPP, tôi không thích thỏa thuận đối với Mỹ. Quá nhiều bất ổn và không có cách nào để thoát ra nếu nó không hiệu quả. Các hiệp định song phương hiệu quả hơn, có lợi và tốt hơn cho người lao động của chúng ta. Hãy nhìn xem WTO tồi tệ như thế nào với Mỹ”, Reuters dẫn chia sẻ của ông Donald Trump.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu gồm 12 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2017, ông Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, động thái mà ông tuyên bố nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho nước Mỹ.

Sau khi Mỹ rút lui, 11 quốc gia còn lại đã đàm phán lại một số nội dung của TPP. Tháng 3/2018, 11 quốc gia này đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), còn được gọi là TPP-11.

Châu Như Quỳnh