1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Uy lực 5 vũ khí "khủng" của Lục quân Mỹ đối phó Triều Tiên

(Dân trí) - Ngoài các hệ thống phòng thủ tên lửa triển khai tại Hàn Quốc, Lục quân Mỹ có thể sử dụng các phương tiện bọc thép tối tân như xe tăng M1A2 Abrams hay xe chống mìn MRAP để đối phó với lực lượng quân đội Triều Tiên áp đảo về số lượng nếu xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Bắt đầu hiện diện tại Hàn Quốc từ năm 1945, Lục quân Mỹ hiện nay đã triển khai hàng loạt căn cứ không quân, pháo binh, phòng thủ và các đơn vị yểm trợ tại Hàn Quốc. Ngoài ra, các đơn vị tác chiến và phương tiện bọc thép hạng nặng cũng được điều động luân phiên từ lục địa Mỹ tới Hàn Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Lục quân Mỹ có thể sẽ triển khai 5 vũ khí chủ lực để đối phó với sức mạnh của quân đội Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD

Hệ thống phòng thủ ten lửa THAAD do Mỹ triển khai ở Hàn Quốc (Ảnh: Japan Times)
Hệ thống phòng thủ ten lửa THAAD do Mỹ triển khai ở Hàn Quốc (Ảnh: Japan Times)

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong khi kho vũ khí của Triều Tiên có hàng trăm loại tên lửa kiểu này như Hwasong-6, Hwasong-7 hay Nodong. THAAD được xem là hệ thống lá chắn “vô giá” trong việc bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự chủ chốt tại Hàn Quốc, đặc biệt là các cảng biển và sân bay - những nơi đóng vai trò then chốt trong việc củng cố sức mạnh của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.

Hiện Mỹ đang triển khai một tổ hợp THAAD gồm 6 bệ phóng với 48 tên lửa tại Hàn Quốc cùng một hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo AN/TPY-2. Nếu xung đột với Triều Tiên xảy ra, Mỹ có thể triển khai thêm các tổ hợp THAAD ở nhiều nơi trên khắp châu Á để bù đắp những lỗ hổng còn lại trong việc đối phó với tên lửa Bình Nhưỡng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cải tiến PAC-3 (Ảnh: AFP)
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cải tiến PAC-3 (Ảnh: AFP)

Vốn được thiết kế để bắn hạ máy bay, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hiện được chia thành hai loại vũ khí riêng biệt, trong đó một loại được sử dụng để bắn hạ các mục tiêu trên không như phiên bản truyền thống và loại còn lại dùng để tiêu diệt các đầu đạn tên lửa đạn đạo. Khi được kết hợp với nhau, hai vũ khí này sẽ tạo ra lớp bảo vệ toàn diện để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ trên không trung.

Với tầm hoạt động lên tới gần 70 km, Patriot PAC-2 là phiên bản gần giống nhất với hệ thống Patriot ban đầu. PAC-2 được thiết kế để bắn hạ bất kỳ thiết bị bay nào của đối phương, từ máy bay cho tới tên lửa hành trình. Mặc dù cũng có khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo nhưng PAC-2 không phải là vũ khí lý tưởng để đánh chặn các tên lửa Scud hay No Dong của Triều Tiên.

Trong khi đó, biến thể PAC-3 của Patriot được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo với mục tiêu bảo vệ các mục tiêu như các thành phố, sân bay và các cơ quan đầu não. PAC-3 có thể đánh chặn các đầu đạn tên lửa đang bay đến mà THAAD không thể đánh chặn được. Mặc dù tầm hoạt động chỉ khoảng 19 km, nhưng mỗi bệ phóng của PAC-3 có thể mang tới 16 tên lửa cỡ nhỏ so với 4 tên lửa trên bệ phóng của PAC-2.

Xe tăng M1A2 Abrams

Xe tăng M1 Abrams của quân đội Mỹ (Ảnh: Yahoo)
Xe tăng M1 Abrams của quân đội Mỹ (Ảnh: Yahoo)

Là xe tăng tác chiến chủ lực của Lục quân Mỹ từ những năm 1980, Abrams được cải tiến thường xuyên ở tất cả các bộ phận, từ kích cỡ nòng pháo cho đến hệ thống liên lạc kỹ thuật số mới. Lục quân Mỹ hiện triển khai 3 tiểu đoàn binh chủng phối hợp ở Hàn Quốc với khoảng 84 xe tăng Abrams.

Nếu xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên, các xe tăng Abrams sẽ phát huy hiệu quả trong việc đối phó với dàn xe tăng lỗi thời của Triều Tiên. Mặc dù số lượng nhiều hơn đáng kể, song xe tăng của quân đội Triều Tiên được cho là hoàn toàn lép vế trước M1A2 Abrams của Lục quân Mỹ.

Lục quân Mỹ có thể sử dụng M1A2 Abrams để xuyên thủng lớp phòng thủ của Triều Tiên, từ đó nhắm thẳng mục tiêu tới thủ đô Bình Nhưỡng. Cả Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đều sẽ triển khai các phiên bản xe tăng Abrams của riêng lực lượng này nếu xảy ra xung đột với Triều Tiên.

Xe trinh sát M93A1 NBC

Xe trinh sát M93 NBC được sử dụng trong các cuộc tấn công hóa học. (Ảnh: MilitaryFactory)
Xe trinh sát M93 NBC được sử dụng trong các cuộc tấn công hóa học. (Ảnh: MilitaryFactory)

Lục quân Mỹ không quan tâm nhiều tới chiến tranh hóa học trong những năm gần đây, tuy nhiên xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ buộc lực lượng này phải ưu tiên sử dụng các biện pháp để đối phó với nguy cơ tấn công hóa học từ Bình Nhưỡng. Triều Tiên được cho là đang sở hữu khoảng 2.500 - 5.000 tấn vũ khí hóa học và có thể sử dụng loại vũ khí này trong trường hợp xảy ra xung đột.

Xe trinh sát M93A1 NBC được thiết kế dựa trên xe bọc thép chở quân Fuchs của Lục quân Đức. Tổ điều khiển của M93A1 NBC gồm 3 người và được trang bị thiết bị cảnh báo chất hóa học từ xa M21, thiết bị cảnh báo/phát hiện chất hóa học tự động M22, máy đo quang phổ di động MM1 với khả năng phát hiện và nhận dạng các chất hóa học và thiết bị giám sát chất hóa học cải tiến (ICAM). Ngoài ra, M93A1 NBC cũng được trang bị máy đo bức xạ AN/VDR-2 để đo đạc phóng xạ hạt nhân phóng ra từ sau một vụ nổ hạt nhân.

Xe bọc thép chống mìn MRAP

Một chiếc MRAP được thử nghiệm tại bãi mìn (Ảnh: Wikipedia)
Một chiếc MRAP được thử nghiệm tại bãi mìn (Ảnh: Wikipedia)

Được phát triển từ những năm 2000 để bảo vệ các binh sĩ trước mối đe dọa của các thiết bị nổ cải tiến, xe bọc thép chống mìn (MRAP) của Lục quân Mỹ đã cứu mạng hàng trăm lính Mỹ khỏi nguy cơ trúng mìn khi đang ngồi trên xe. Trong các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đã mua 24.000 chiếc MRAP để triển khai tại các khu vực tác chiến.

Nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Lục quân Mỹ sẽ cần đến sự trợ giúp của MRAP. Mặc dù quân đội Mỹ và Hàn Quốc có thể áp đảo quân đội Triều Tiên trong các cuộc đối đầu trực diện, nhưng nếu Triều Tiên chiến đấu theo hình thức du kích ở khu vực đồi núi thì xe bọc thép chống mìn có thể hỗ trợ hiệu quả cho liên quân Mỹ - Hàn. Theo đó, Mỹ và Hàn Quốc có thể triển khai MRAP để chinh phục địa hình đồi núi gồ ghề của Triều Tiên, đối phó với lính du kích Triều Tiên và hộ tống các đoàn xe hậu cần.

Thành Đạt

Theo National Interest