1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine kiệt sức theo chuẩn châu Âu, khi nào mới gia nhập?

Ukraine nỗ lực đạt các tiêu chuẩn châu Âu để sớm được xem xét thành viên EU nhưng châu Âu vừa hứa hẹn vừa khước từ.

Ukraine mới đây tuyên bố đang có kế hoạch vá các lỗ hổng biên giới với Nga, Belarus và khu vực Transnistria bằng cách tăng số lượng các đồn biên phòng theo tiêu chuẩn châu Âu.

Lãnh đạo cơ quan Biên giới Ukraine mới đây tuyên bố đang nỗ lực thực hiện việc kiểm soát biên giới theo các tiêu chuẩn châu Âu.


Hàng rào biên giới giữa Ukraine và Nga.

Hàng rào biên giới giữa Ukraine và Nga.

Cụ thể Ukraine đang có các đồn biên phòng cách nhau từ 20-60 dặm, nhưng tại châu Âu, con số này chỉ 10 dặm. Như vậy, để đạt theo các tiêu chuẩn của châu Âu, Ukraine cần phải tăng số lượng các đồn biên phòng dọc đường biên giới.

Trưởng cơ quan Biên giới - ông Petro Tsygykal nói với Kênh 5 Ukraine rằng: "Chúng tôi dự kiến ​​sẽ tạo thêm các điểm biên phòng tại khu vực biên giới để đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu".

Việc củng cố biên giới đã được Ukraine chú trọng từ thời ông

Arseniy Yatsenyuk còn giữ chức vụ Thủ tướng. Hồi năm 2015, ông Yatsenyuk đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng bức tường biên giới với Nga, dự kiến hoàn thành trong 4 năm với chi phí 150 triệu USD.

Ông Yatsenyuk cũng từng vận áo phông, quần thể thao tới thăm công trình trọng điểm này, đồng thời cổ vũ tinh thần của binh sĩ Ukraine. Tuy nhiên, tới nay, ông Arseniy Yatsenyuk đã từ chức, rời bỏ quê hương, và bức tường biên giới cũng bị giảm một nửa ngân sách đầu tư.

Ukraine từ sau chính biến Maidan đã quyết tâm hướng Tây và luôn nỗ lực để trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Để đạt được mục tiêu lâu dài này, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc thay đổi bộ mặt đất nước theo các tiêu chuẩn châu Âu từ những thứ giản đơn nhất.

Năm 2013, Bộ Phát triển kinh tế Ukraine đã đề xuất các sửa đổi quan trọng cho tất cả các quy chuẩn kỹ thuật của nước này theo tiêu chuẩn châu Âu.


 Ukraine cấp biển số xe theo tiêu chuẩn Châu Âu

Ukraine cấp biển số xe theo tiêu chuẩn Châu Âu

Hiện tại Ucraina có tất cả 19 quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở chỉ dẫn của EU. Đó là các quy chuẩn trong lĩnh vực sản phẩm y tế, hóa chất trong tiêu dùng, các biện pháp bảo vệ cá nhân, thiết bị và dụng cụ đo lường, đồ chơi, pháo hoa, ca nô.

Về chính thức, sự hài hòa này nhằm khiến sản phẩm của Ukraine được công nhận là đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật châu Âu. Tuy nhiên cho đến nay, không phải tất cả các tiêu chuẩn quốc gia của Ukraine đều được điều chỉnh theo chuẩn EU.

Động thái này, theo Bộ Phát triển kinh tế, không chỉ góp phần hội tụ các tiêu chuẩn, mà trong tương lai, nó còn cho phép ký thỏa thuận với EU về việc công nhận chứng chỉ phù hợp lẫn nhau, tiến tới đơn giản hóa quá trình thâm nhập thị trường châu Âu của hàng hóa Ukraine.

Năm 2015, Ukraine bắt đầu áp dụng quy định cấp biển số xe ô tô theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Serhiy Chebotar cho biết, quy định này sẽ được áp dụng nhằm mở đường cho Ukraine tiến tới trở thành thành viên của EU.

Ukraine nỗ lực chỉ ăn "bánh vẽ"?

Giới quan sát cho rằng, việc Ukraine tự đặt mục tiêu cho mình được gia nhập vào EU bằng cách cố gắng để đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn không phải là yếu tố quyết định để nước này được phép gia nhập vào Liên minh.

Điều này cũng từng được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thừa nhận.

Hồi cuối năm 2016, trong đợt kỷ niệm 3 năm sự kiện Euromaidan, Tổng thống Poroshenko thừa nhận, nước này đã tiến đến gần châu Âu trong một số lĩnh vực, tuy nhiên có một điểm quan trọng nhất là đời sống người dân Ukraine vẫn còn xa mới chạm tới mức tiêu chuẩn châu Âu.

"Đến nay vẫn còn một trở ngại đang tồn tại và rất quan trọng đã không mang đến cho phần lớn người Ukraine cơ hội trải nghiệm cũng như xích lại gần với châu Âu. Rất tiếc là mức sống của ngưởi dân vẫn chưa đạt đến sự "Âu hoá". Đây cũng là lĩnh vực duy nhất của chúng tôi sau ba năm đã không chạm gần tới tiêu chuẩn châu Âu" - ông Poroshenko nói.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng giải thích rằng nguyên nhân là do một "yếu tố khách quan", cụ thể là việc cần thiết phải chi phí nhiều hơn 5% GDP cho "lĩnh vực quốc phòng và an ninh, và thành lập một lực lượng quân đội mới".

Ngoài ra ông cũng cho biết, nước này từ lâu đã không thực hiện được những cải cách kinh tế nhằm mang lại tăng trưởng trong lĩnh vực này.


Ukraine cứ hy vọng và châu Âu vẫn cứ hứa hẹn.

Ukraine cứ hy vọng và châu Âu vẫn cứ hứa hẹn.

Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng ở quốc gia này cũng là một mối lo ngại của EU.

Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker hồi tháng 3/2016 cho rằng, Ukraine phải tới 20 - 25 năm nữa cũng chưa thể trở thành thành viên của EU và càng khó trở thành một thành viên NATO.

"Ukraine chắc chắn sẽ không thể trở thành một thành viên của EU trong 20-25 năm tới, và hơn nữa là thành viên của NATO" - hãng tin DPA dẫn lời ông Juncker.

Sau đó, vị Chủ tịch cũng không giải thích lý do vì sao mà Ukraine sẽ phải chờ đợi lâu như vậy.

Tạp chí châu Âu cho hay, ông Juncker tuyên bố như trong bài phát biểu nhằm vào các cử tri Hà Lan với mục đích trấn an họ rằng, thỏa thuận tự do thương mại giữa Ukraine và EU không phải là một bước đầu tiên nhằm nhanh chóng đưa Ukraine gia nhập vào Liên minh châu Âu EU.

Điều này càng thể hiện rõ việc châu Âu "ngọt nhạt" với Ukraine lâu nay chỉ như những lời hứa suông mà Ukraine chỉ có thể nỗ lực hết sức để giành được một miếng bánh vẽ.

Theo Đông Phong

Báo Đất Việt