Trung Quốc thành "ngư ông đắc lợi" sau cuộc chiến chống khủng bố Syria
(Dân trí) - Trong khi các lực lượng khác đang bàn bạc, thảo luận về tương lai của Syria cũng như tính toán các khoản đầu tư tái thiết quốc gia này sau cuộc chiến chống khủng bố thì Trung Quốc dường như đã bắt đầu cân nhắc tới lợi ích và tận dụng thời cơ trở thành “ngư ông đắc lợi”.
Bloomberg trích lời Phó chủ tịch hiệp hội giao dịch Trung Quốc - Ả-rập Qin Yong chia sẻ về tiềm năng ở thị trường Syria của các công ty Trung Quốc. “Chúng tôi nhận được cuộc gọi hàng ngày. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhìn thấy một khoản đầu tư đầy tiềm năng vì toàn bộ cả đất nước đó cần được tái thiết”. Ông Qin cho biết thêm rằng phía Syria cũng rất nhiệt tình hồi đáp, mong muốn việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng diễn ra nhanh chóng nhất có thể.
Sau 6 năm rưỡi rơi vào tình cảnh chiến sự, đất nước Trung Đông do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo được cho là cần tới 250 tỷ USD để tái thiết, theo số liệu ước tính của Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mới tuyên bố rằng Nga đã giúp “quét sạch” các phần tử khủng bố ở Syria sau 2 năm điều lực lượng tới tham chiến và hỗ trợ quân đội Syria, đang kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với Syria.
Tại họp báo thường niên ngày 14/12, ông Putin nhận định rằng vấn đề Syria đã có ảnh hưởng tới toàn cầu, kéo theo cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất lịch sử châu Âu từ sau Thế chiến II, và là một trong những nơi sản sinh ra chủ nghĩa khủng bố. Ông Putin cho rằng các nước cần chung tay hiệp đồng giải quyết tình hình Syria một cách triệt để nhất.
Mỹ, các đồng minh châu Âu và Vùng Vịnh ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria, cho rằng vấn đề nằm ở phía Nga và Tổng thống Assad. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết liên minh chống chính phủ Syria sẽ không bỏ tiền ra hỗ trợ cho Syria trừ khi có một cuộc chuyển giao quyền lực chính trị diễn ra trong nội bộ. Các chuyên gia nhận định tuy Nga và Syria đã có thắng lợi quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng căng thẳng từ cuộc nội chiến Syria với các lực lượng đối lập vẫn là bài toán khó với chính quyền ông Assad.
Mặc dù phía Nga và một số nước như Iran, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước đã có cam kết hỗ trợ xây dựng tại quốc gia Trung Đông, nhưng khoản đầu tư để tái thiết Syria là con số “khổng lồ”.
Trung Quốc dường như tỏ ra “năng nổ” trong công cuộc tái thiết Syria. Ông Qin cho biết trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ chi 2 tỉ USD đầu tư xây mới đường, cầu, sân bay và bệnh viện và phục hồi hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Sở dĩ, Trung Quốc nhiệt tình như vậy vì Syria chính là một trong những “mắt xích” quan trọng trong kế hoạch “vành đai và con đường”, tuyến đường vận tải nối Trung Quốc, châu Âu và châu Phi.
Tuy nhiên, ông Qin nhận định việc kinh doanh ở Syria cũng sẽ gặp không ít trở ngại do việc thanh toán bằng USD và Euro đã bị cấm hoàn toàn ở đây, một động thái của chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm cô lập chính quyền của ông Assad. Hơn nữa, về mặt dài hạn, không ai có thể dự đoán được liệu tình hình Syria liệu có tiến triển theo chiều hướng tốt hơn, hay Syria có thể một lần nữa lại bị tàn phá bởi những cuộc tranh chấp và đối đầu khác.
Đức Hoàng
Theo SCMP