1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc thách thức vị trí cường quốc quân sự của Nga

(Dân trí) - Nga ngày nay và Liên Xô trước đây luôn sở hữu một lực lượng quân sự vượt trội và nhanh chóng trở thành đối thủ ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, Moscow dường như đang bị Trung Quốc “vượt mặt” trong lĩnh vực này.

Quân đội Nga diễu binh tại Quảng trường Đỏ ở Moscow (Ảnh: Reuters)
Quân đội Nga diễu binh tại Quảng trường Đỏ ở Moscow (Ảnh: Reuters)

Nga hiện vẫn được xem là một trong số các cường quốc về quân sự trên thế giới với khả năng tác chiến điện tử mạnh mẽ, vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất thế giới, uy lực vượt trội của các lực lượng khí tài và binh sĩ cũng như năng lực an ninh mạng đáng gờm.

Tuy vậy, theo Business Insider, hiện không còn ai nói Nga là mối đe dọa quân sự hàng đầu đối với Mỹ. Thay vào đó, cái tên thế chỗ của Nga là Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đưa ra một Chiến lược An ninh Quốc gia mới, trong đó xếp Trung Quốc và Nga là các mối đe dọa chiến lược chính, thay vì chủ nghĩa khủng bố hay biến đổi khí hậu. Trung Quốc được đặt lên trước và được đề cập nhiều hơn Nga trong báo cáo chiến lược của Mỹ.

Trước đây, Trung Quốc thường mua và cải tiến các hệ thống vũ khí chủ chốt của Nga. Điều này cho phép Trung Quốc có nền tảng mạnh mẽ để bắt đầu xây dựng lực lượng quân sự của nước này trở thành lực lượng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên hiện tại, Bắc Kinh có thể nói đã vượt Moscow nếu xét về các cuộc chiến công nghệ cao.

Theo cây bút Alex Lockie, chính Trung Quốc, chứ không phải Nga, là nước đầu tiên phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong việc chế tạo máy bay tàng hình bằng sự ra đời của máy bay Chengdu J-20. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến vượt bậc về phần mềm và máy tính, cho phép nước này sử dụng công nghệ máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo tại những khu vực nguy hiểm.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (Ảnh: EPA)
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Trung Quốc cũng chế tạo một loạt tên lửa mới và trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Bắc Kinh trước đây từng mua một tàu sân bay đã qua sử dụng của Liên Xô để sử dụng làm tàu huấn luyện. Hiện tại, Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng thêm ít nhất 3 tàu sân bay nữa để tăng cường năng lực của hải quân.

Trong khi đó, Nga vẫn phải “xếp xó” tàu sân bay Kuznetsov duy nhất của nước này để chờ đại tu tới năm 2022. Thậm chí trước khi được nâng cấp, tàu sân bay này cũng không thể hoạt động nếu không có tàu hỗ trợ bên cạnh.

Sức mạnh quân sự của Nga được cho là đang bị đình trệ. Nga tuyên bố thế hệ vũ khí hạt nhân mới nhất của nước này có thể đánh lừa hoặc vượt qua tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời của Mỹ. Tuy nhiên, ngược lại, ngay cả tên lửa hạt nhân Minuteman III trực chiến từ những năm 1970 cũng có thể đánh bại hệ thống phòng không của Nga.

Trong những năm gần đây, Nga vẫn phát triển thêm các khí tài quân sự mới để nâng cao năng lực tác chiến. Moscow đã “trình làng” máy bay chiến đấu Su-57 - máy bay tàng hình được cho là có thể đánh bại “chim sắt” tối tân F-35 và F-22 của Mỹ. Tuy vậy, quân đội Nga được cho là không đủ khả năng tài chính để đặt mua nhiều hơn 12 chiếc Su-57 để trang bị cho các đơn vị. Trong khi đó, xe tăng T-14 Armanta của Nga, vốn được xem là sát thủ xe tăng của NATO, nhiều khả năng cũng không được sản xuất hàng loạt. Nguyên nhân giải thích cho sự hạn chế này là do nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, bắt nguồn từ giá dầu giảm cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây trong những năm gần đây.

Thành Đạt

Tổng hợp