1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tính giảm phí vận chuyển vũ khí để kích cầu

Từ đầu năm 2018 đến nay Mỹ ký thỏa thuận bán ra 46,9 tỉ USD vũ khí, nhiều hơn cả năm 2017 (41,9 tỉ USD).

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc giảm phí vận chuyển vũ khí bán cho các nước, giảm bớt áp lực chi phí cho các đối tác quân sự, như một biện pháp nhằm kích cầu .

Thông tin này được Trung tướng Charles Hooper, Giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ngày 23-7, tại sự kiện trình diễn máy bay quốc tế Farnborough 2018.

“Chúng tôi đang cân nhắc giảm phí vận chuyển . Lần gần nhất chúng tôi xem xét phí vận chuyển là vào thời điểm giá dầu đang rất cao. Vì thế chúng tôi cân nhắc lại và sẽ giảm phí” – Trung Tướng Hooper nói với Defense News.


Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, một mặt hàng quân sự đang được nhiều nước đặt mua. Ảnh: SPUTNIK

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, một mặt hàng quân sự đang được nhiều nước đặt mua. Ảnh: SPUTNIK

Theo chương trình Bán vũ khí quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng, DSCA hoạt động như một nhà trung gian, phụ trách hậu cần, vận chuyển vũ khí từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ đến các nước. Chi phí vận chuyển các nước chịu, được tính dựa trên giá dầu và mặt hàng mua bán.

Ông Hooper cũng thừa nhận mục tiêu cuối cùng là nhằm hấp dẫn thêm các hợp đồng mua vũ khí từ các nước.

“Chúng tôi muốn hàng của mình cạnh tranh hơn. Chúng tôi chỉ muốn áp các loại phí đặc biệt cần thiết để mang lại cho các đối tác một dịch vụ tiêu chuẩn cao. Chúng tôi muốn chào hàng những vũ khí tốt nhất thế giới với giá cả hợp lý” – ông Hooper nói.

Nếu lần giảm phí này được thực hiện thì đây sẽ là lần thứ hai DSCA giảm phí vận chuyển dưới thời ông Hooper. Lần trước đó là vào tháng 6, DSCA cắt giảm phần phụ thu thuế đánh lên vũ khí Mỹ bán ra nước ngoài từ 3,5% xuống còn 2,5%.


Tên lửa SM-3 được phóng từ tàu khu trục USS Decatur lớp Arleigh Burke trong một buổi thử tên lửa đạn đạo của Cơ quan Tên lửa Quốc phòng (Mỹ). Ảnh: SPUTNIK

Tên lửa SM-3 được phóng từ tàu khu trục USS Decatur lớp Arleigh Burke trong một buổi thử tên lửa đạn đạo của Cơ quan Tên lửa Quốc phòng (Mỹ). Ảnh: SPUTNIK

Theo Defense News, từ đầu năm 2018 đến nay chính phủ Trump đã thỏa thuận bán ra 46,9 tỉ USD vũ khí và thiết bị quân sự, nhiều hơn so với cả năm 2017 (41,9 tỉ USD). Năm 2016, Mỹ bán được 33,6 tỉ USD.

Ông Hooper cho rằng dấu hiệu này là điều tốt cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại cũng như an ninh kinh tế Mỹ. Tuy nhiên vẫn có ý kiến ngược lại.

“Việc xuất khẩu vũ khí không tốt cho an ninh quốc gia, cho chính sách đối ngoại và cả cho kinh tế. Nó khiến kinh tế Mỹ rỗng đi, chính trị đầy tham nhũng, và cũng gây tham nhũng ở chính phủ các nước, hủy hoại chủ quyền và dân chủ” - theo ông Greg Mello, Giám đốc Điều hành tổ chức nghiên cứu chính sách, an ninh Los Alamos Study Group (Mỹ).

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP.HCM