Vũ khí điện tử Nga "làm khó" Mỹ tại Syria
(Dân trí) - Một tướng cấp cao của Mỹ cho biết quân đội nước này ở Syria đang phải đối mặt với mối đe dọa từ thiết bị tác chiến điện tử hiện đại của Nga.
Tạp chí Foreign Policy trích lời các quan chức quân sự và các chuyên gia Mỹ cho biết quân đội Washington đang triển khai ở Syria đang phải phòng thủ trước những thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến của Nga.
Những quan chức đã trải qua những vụ tấn công bằng những thiết bị trên cho biết mức độ nguy hiểm của những cuộc tác chiến điện tử không thua kém so với những vụ tấn công thông thường bằng bom và hỏa lực. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận những cuộc tác chiến như vậy cho phép các tướng lĩnh và quân nhân Mỹ được trải nghiệm công nghệ tiên tiến của Nga và tìm cách đối phó với chúng trong tương lai.
Đại tá của lực lượng lục quân Mỹ Brian Sullivan đã mô tả lại một tình huống cụ thể diễn ra gần đây trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hồi tuần trước. Theo đó, trong 9 tháng tới ở Syria tham chiến từ tháng 9/2017 - 5/2018, đơn vị của ông phải đối mặt với môi trường tác chiến điện tử với tần suất cao.
“Đó là những thách thức lớn với chúng tôi nhưng chúng tôi cũng có cơ hội trải nghiệm tác chiến ở môi trường mà ngay cả các trung tâm huấn luyện tại Mỹ cũng không thể mô phỏng theo. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi (học hỏi) khi hoạt động ở nơi Nga triển khai hệ thống tác chiến điện tử dày đặc”, ông Sullivan nói.
Ông Sullivan không nói rõ những cuộc tấn công bằng thiết bị tác chiến điện tử có tác động thế nào tới đơn vị của mình. Nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng một cuộc tác chiến như vậy có thể trấn áp mạng lưới thông tin truyền thông, hệ thống định vị và ngay cả máy bay.
“Gần như ngay lập tức, hệ thống thông tin sẽ ngừng hoạt động hoặc bạn sẽ không thể điều động hỏa lực, không thể cảnh báo sắp có hỏa lực bắn tới vì radar của bạn đã ngừng hoạt động và chúng không thể dò ra bất cứ thứ gì”, cựu đại tá Laurie Moe Buckhout, một chuyên gia về tác chiến điện tử cho hay.
“Nó còn có thể trở nên nguy hiểm và gây sát thương lớn hơn các cuộc tấn công bằng động lực vì nó vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của đối phương”, bà Buckhout nói.
Chuyên gia quân sự Daniel Goure của viện Lexington (Mỹ) cho biết hệ thống tác chiến điện tử của Nga được triển khai rất tinh vi. Họ có thể tích hợp chúng trên các phương tiện lớn hoặc máy bay, và gây ra thiệt hại ở khoảng cách hàng trăm km.
Giới quan sát cho rằng Nga đã sử dụng Syria như một chiến trường để thử nghiệm các vũ khí điện tử mới mà họ đã bắt đầu phát triển từ 10-15 năm trước nhằm đối phó với hệ thống vũ khí hùng mạnh của NATO thời đó.
Đức Hoàng
Theo Foreign Policy