1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thách thức của Nhà Trắng trước cuộc đàm phán "cân não" với Triều Tiên

(Dân trí) - Trước khi bước vào cuộc đàm phán dự kiến với Bình Nhưỡng vào tháng 5, giới quan sát cho rằng Nhà Trắng dường như đang gặp các thách thức ngay trong nội bộ, với những thông điệp đưa ra chưa có tính nhất quán cao giữa các bên, cũng như sự thiếu hụt về nhân sự kỳ cựu trong vấn đề Triều Tiên.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp nhau vào tháng 5 tới (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp nhau vào tháng 5 tới (Ảnh: AP)

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng nhằm tìm ra hướng đi cho cuộc khủng khoảng hạt nhân dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo Washington Post, Nhà Trắng dường như đang cân nhắc thành lâp một đội ngũ trợ lý có đủ khả năng hậu thuẫn cho ông Trump trong sự kiện có tính lịch sử này.

Tuy nhiên, trước đó các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson, dường như đã không nắm rõ được thông tin về cuộc đàm phán vài giờ trước khi một phái viên của Hàn Quốc công bố quyết định của ông Trump trước giới truyền thông. Ông Tillerson thậm chí còn không chắc chắn rằng liệu "Triều Tiên có đạt được những điều kiện cần thiết để đàm phán với Mỹ hay không".

Sự thiếu nhất quán bên trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên dường như đã bắt đầu xuất hiện từ khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần đầu tiên vào năm ngoái. Các bộ phận trong Nhà Trắng có vẻ như chưa tìm được tiếng nói chung dẫn tới việc vô tình đưa ra những thông điệp mâu thuẫn nhau.

Thêm vào đó, việc ông Trump “gật đầu” với đề nghị của Bình Nhưỡng được các chuyên gia cho rằng là khá mạo hiểm do Nhà Trắng được cho là đang thiếu các nhân lực như các nhà ngoại giao, cố vấn chuyên biệt về vấn đề Triều Tiên.

"Bài toán" nhân sự kỳ cựu của Nhà Trắng

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: AFP)

Trong bối cảnh đó, nhà ngoại giao kỳ cựu về Triều Tiên, đặc phái viên Joseph Yun, đã tuyên bố về hưu hồi cuối tháng 2 và vẫn chưa có vị trí thay thế. Hơn 1 năm qua, Nhà Trắng vẫn chưa chỉ định vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Ngay cả Thượng viện Mỹ cũng chưa chính thức lựa chọn ra vị trí phụ trách vấn đề ngoại giao ở khu vực đông Á.

Quyết định đàm phán của Tổng thống Trump dường như sẽ khiến Nhà Trắng bắt đầu “phân loại và xếp hạng” các nhà ngoại giao cho nhiệm vụ này.

Các nhà đàm phán có kinh nghiệm cho biết để chuẩn bị cho cuộc hội đàm Mỹ cần có một quy trình nghiêm ngặt và một nhóm liên cơ quan chính phủ chuyên phụ trách những điều khoản trong thỏa thuận. Họ hối thúc chính quyền ông Trump phải sẵn sàng cho những “gánh nặng” họ có thể gặp phải khi đàm phán và điều này nên được nghiêm túc xem xét.

Bà Wendy Sherman, người từng phụ trách về việc đàm phán với Iran trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, chia sẻ: “Sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện việc này (việc chuẩn bị) trong mọi trường hợp. Khi chuẩn bị đàm phán với Iran, chúng tôi cũng phải viết một bản thỏa thuận nháp hoàn chỉnh trên 100 trang nhằm giúp chúng tôi hình dung về điều chúng tôi muốn đạt được. Nó phải thực sự rất chi tiết”.

Cuộc hội đàm dự kiến được cho là sẽ đặt “gánh nặng” lên các nhà ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề Triều Tiên, bao gồm bà Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương và giám đốc chính sách về Hàn Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Lambert.

Ông Lambert, người từng tham gia cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên tại Bắc Kinh trước đó, hiện đang vận hành “kênh New York”, kênh thông tin liên lạc kết nối giữa Mỹ và Triều Tiên thông qua phái đoàn Bình Nhưỡng ở Liên Hợp Quốc.

Các chuyên gia cho rằng chính quyền ông Trump dường như đang thiếu đi những nhà ngoại giao có kinh nghiệm dạn dày về Bình Nhưỡng. Ông Douglas H. Paal, một học giả tại Viện Bảo trợ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định lực lượng nhân sự ngoại giao kỳ cựu của Washington đang không có nhiều, trong khi Triều Tiên dường như sẽ cử những nhà ngoại giao 30 năm kinh nghiệm tham gia sự kiện lần này. “Đó là một thách thức cho Mỹ”, ông H.Paal nhận xét.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Edward Markey ca ngợi quyết định đàm phán của Tổng thống Trump, nhưng nhấn mạnh rằng Nhà Trắng cần bổ sung những vị trí khuyết thiếu và giải quyết bài toán ngân sách ở Bộ Ngoại giao. Một số chuyên gia còn khuyến nghị chính quyền ông Trump có thể tính tới việc thuê các nhà ngoại giao bên ngoài để đảm nhận cuộc hội đàm lần này, nếu cần thiết.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm