1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các học giả bác bỏ luận điệu của Trung Quốc về Biển Đông

(Dân trí) - Phát biểu tại cuộc hội thảo quốc tế ở Hà Nội, Giáo sư Trung Quốc Su Hao nói rằng nước này không có ý đồ muốn gây hấn ở Biển Đông. Tuy nhiên, luận điệu này đã bị các học giả quốc tế bác bỏ.

Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Úc đã có bài trình bày tại hội thảo "ASEAN và Quan hệ Trung-Mỹ: Những chuyển động mới và tác động tới khu vực" diễn ra ở Hà Nội ngày 10/3, nhấn mạnh hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Thayer, tình hình Biển Đông sẽ "nóng" hơn trong năm 2016, dẫn tới những rủi ro cho quan hệ Việt-Trung.

Sau bài phát biểu của Giáo sư Thayer là bài trình bày của Giáo sư thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, ông Su Hao. Trái với sự bi quan của GS Thayer đối với vấn đề Biển Đông và quan hệ Mỹ-Trung, ông Su Hao tỏ ra lạc quan, tin rằng các nước sẽ hợp tác "theo mô hình quả ô liu, thay vì quả tạ trong quá khứ" khi bên ngoài là sự cạnh tranh nhưng sâu hơn là sự tùy thuộc lẫn nhau. Các nước sẽ hợp tác nhiều hơn thay vì đối đầu.

Giáo sư Su Hao trình bày phát biểu tại hội thảo, nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không có ý định gây hấn ở Biển Đông (Ảnh: N.H)
Giáo sư Su Hao trình bày phát biểu tại hội thảo, nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không có ý định gây hấn ở Biển Đông (Ảnh: N.H)

Ông Su cho rằng, "Trung Quốc có những phân tích và tầm nhìn chiến lược riêng của mình nên điều này có thể đã ảnh hưởng tới các nước trong khu vực. Hòa bình và dân chủ là nền tảng chung cho sự phát triển của chúng ta và Trung Quốc cũng luôn chú trọng tới bình đẳng và công lý".

Trong phần trình bày, Giáo sư Su Hao còn nhấn mạnh rằng, các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông không nhằm mục đích gây hấn, quân sự hóa mà chỉ là hành động hết sức bình thường của Bắc Kinh. "Các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông có hành động mới ở khu vực này, nên Trung Quốc cũng muốn có sự hiện diện tương tự như vậy ở Biển Đông", ông nói.

Tuy nhiên, ông Su cũng thừa nhận Trung Quốc cần kiềm chế hành động của mình để làm sao tránh làm phức tạp thêm tình hình.

Trao đổi với báo giới bên lề cuộc hội thảo, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, bình luận rằng, bài phát biểu của Giáo sư Su Hao nêu quan điểm chính thức của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Từ trước tới nay, nước này vẫn luôn khẳng định thiện chí muốn duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông nhưng thực tế, hành động của họ thì hoàn toàn ngược lại.

Trung Quốc đang muốn tạo thay đổi trong cán cân quyền lực ở Biển Đông theo hướng có lợi cho mình. Trong thời gian tới, Bắc Kinh có thể vẫn tiếp tục những hành động gây hấn này, bất chấp sự phản đối của Mỹ và ASEAN, ông Hiệp cho hay.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định,"bàn cờ" Biển Đông sẽ vẫn phức tạp và cá nhân ông "khá bi quan" về quan hệ Trung-Mỹ trong thời gian tới.

Giáo sư Carlyle Thayer thẳng thắn nói với báo giới bên lề cuộc hội thảo rằng, ông không thể chấp nhận sự bao biện của Trung Quốc về các hành động phi pháp của nước này ở Biển Đông. Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo và những gì nước này đã và đang làm ở Biển Đông mới là câu trả lời chính xác nhất cho ý đồ của Bắc Kinh.

Trung Quốc tố cáo rằng Mỹ mới là nước quân sự hóa Biển Đông khi điều tàu chiến, tàu sân bay tới vùng biển này, nhưng trên thực tế các tàu chiến Mỹ tới và cập cảng ở Biển Đông đều theo lời mời của các đối tác trong khu vực như Singapore hay Philippines; trong khi đó, không bên nào "mời" Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở khu vực này cả.

Theo ông Thayer, có 4 điểm sẽ khiếnTrung Quốc hành động nhiều hơn ở Biển Đông trong năm 2016, đó là Tòa trọng tài thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bầu cử ở Philippines vào tháng 5, Mỹ cứng rắn hơn trong bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm