1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Syria: Phương Tây thành con rối trong vở kịch của chính mình

Dù có điều tra độc lập, có phát hiện mới về vấn đề vũ khí hoá học của Syria, phương Tây đều trở thành con rối trong vở kịch của chính mình...

BBC ngày 1/3 cho hay, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm áp đặt lệnh trừng phạt đối với Syria vì bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến tại nước này.

Đây là lần phủ quyết thứ 7 Nga và thứ 6 của Trung Quốc kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011, nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad.

Mặc dù chính phủ Syria đã đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này vào năm 2013 theo một thỏa thuận với Nga và Mỹ, song các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc và Cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế lại cho rằng họ đã phát hiện ra việc các lực lượng của chính phủ Syria tiến hành ba cuộc tấn công vũ khí hóa học vào năm 2014 và năm 2015.

Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc và Cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế cũng nhận định lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng sử dụng chất độc hóa học trong các cuộc tấn công của chúng ở Syria.

Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad luôn bác bỏ những cáo buộc họ đã thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào dân thường.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc thực hiện quyền phủ quyết với Nghị quyết trừng phạt Syria
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc thực hiện quyền phủ quyết với Nghị quyết trừng phạt Syria

Cá nhân người viết cho rằng, việc Nga và Trung Quốc phủ quyết Nghị quyết của LHQ về trừng phạt Syria không chỉ là bảo vệ chính phủ Assad, mà còn là lật tẩy những chiêu trò của Mỹ và các đồng minh. Qua động thái này, Nga – Trung quyết xóa kịch bản “vũ khí hóa học Syria” để qua đó phương Tây nhằm hướng tới những mục đích khác trong ván cờ Syria.

Phương Tây đã trở thành con rối trong kịch bản của chính mình

“Chúng tôi đảm bảo rằng chế độ Assad không thể sử dụng kho vũ khí hóa học của họ chống lại người dân Syria, và sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng việc sử dụng các vũ khí đáng ghê tởm có hậu quả là sẽ không được cộng đồng quốc tế dung thứ", đó là phát biểu của cựu Tổng thống Obama trước sự kiện kho vũ khí hóa học của Syria được tiêu hủy hoàn toàn trước thời hạn.

Theo thỏa thuận giữa Nga và Mỹ thì việc tiêu hủy và giám sát tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria được giao cho Washington và các đồng minh. Việc tiêu hủy 1.300 tấn vũ khí hóa học của Syria được chia làm hai phân đoạn. Một nửa được chuyển đến Cape Ray, được Mỹ trực tiếp thực hiện tiêu hủy và giám sát việc tiêu huỷ.

Hơn 600 tấn còn lại được Italy và các đồng minh khác của Mỹ là Phần Lan, Đức và Anh thực hiện tiêu hủy và có sự giám sát của Washington. Điều đó cho thấy Moscow không thực hiện bất cứ vai trò gì trong việc tiêu hủy và giám sát việc tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học của chính quyền Assad – lực lượng được Moscow bảo trợ.

“Hoa Kỳ cho biết việc hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria, là một thành tích hiếm hoi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama tại thời điểm mà Trung Đông đang bị cuốn vào bạo lực và bất ổn chính trị”, theo The New York Times ngày 18/8/2014.

Vậy nhưng, đến ngày 16/3/2015, Mỹ và đồng minh lại khẳng định phát hiện chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường, theo BBC. Nghĩa là chỉ hơn sáu tháng, sau khi Tổng thống Obama hân hoan với thành tích ngoại giao của mình, phương Tây lại xổ toẹt vào cái thành tích đó.

“Theo báo cáo mới nhất bởi cuộc điều tra kéo dài 13 tháng của LHQ và Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), cho thấy lực lượng chính phủ Syria đã tiến hành tấn công bằng khí độc hại – khí Clo - tại Qmenas, Idlib vào ngày 16/3/2015. Báo cáo mới nhất, được coi là bí mật nhưng đã bị rò rỉ rộng rãi trong giới truyền thông”, theo BBC ngày 22/1/2016.

Qua sự kiện này, cho thấy nổi lên 2 vấn đề từ việc Mỹ và đồng minh tiêu hủy và giám sát tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria :

Thứ nhất, việc Washington và đồng minh thông báo hoàn tất việc tiêu hủy kho vũ khí và trước đó là tiêu hủy những phương tiện sản xuất loại vũ khí này, song rồi chính họ lại tìm cách tái điều tra, để quyết đưa ra kết luận: phát hiện mới.

Điều đó cho thấy dường như phương Tây cố tình tạo ra kịch bản để khẳng định chính quyền Assad không trung thực, từ đó áp lệnh trừng phạt. Bởi lẽ họ thể điều tra, tái điều tra trước khi đưa ra thông báo về việc hoàn tất tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, song nến như vậy thì kịch bản của họ không thể hoàn hảo.

Thứ hai, trong kết luận của LHQ đều xác nhận IS cũng sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công của chúng tại Syria. Trong khi đó, việc những kẻ khủng bố trà trộn vào lực lượng đối lập tại Syria là một thực tế mà cả Washington và Moscow không thể phủ nhận.

Vậy lấy gì đảm bảo vũ khí hóa học được sử dụng không phải là “gắp lửa bỏ tay Assad”, để nhằm củng cố cơ sở cho việc trừng phạt chính quyền Syria? Bởi lẽ điều đó lợi cho tất cả các lực lượng đối nghịch với Assad trong ván cờ Syria.

Do vậy, dù có điều tra độc lập và có nhiều phát hiện mới về vấn đề vũ khí hóa học của Syria thì đều cho thấy phương Tây đã trở thành con rối trong vở kịch của chính mình. Nhận trách nhiệm giám sát, tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, sau đó lại khẳng định Syria sử dụng vũ khí hóa học. Với Moscow thì hành động đó có khác gì phương Tây "vừa ăn cướp vừa la làng” và đương nhiên Kremlin phủ quyết nghị quyết trừng phạt Syria về vấn đề này.

Phương Tây thừa nhận việt vị trước các nước đi của Putin trong ván cờ Syria

Như người viết đã từng phân tích, việc Mỹ và đồng minh nhận trách nhiệm tiêu hủy và giám sát tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria là một nước đi “sai mà cứ tưởng đúng” của Washington. Tổng thống Obama đã việt vị trước Tổng thống Putin trong nước đi này, bởi sau khi tiêu hủy kho vũ khi hóa học của Syria thì Mỹ không thể xuất hiện hợp pháp tại Syria nữa.

Với vị thế là “kẻ lấp ló sau cánh gà” đã khiến Washington phải nhường vai trò đạo diễn ván cờ Syria cho Moscow và cũng từ đó khiến Mỹ mất dần tầm ảnh hưởng tại Trung Đông. Từ thực tế cay đắng đó, Washington và các đồng minh đã tìm cách tương kế tựu kế từ ngay nước đi “tiêu hủy vũ khí hạt nhân của Syria” để nhằm cân bằng với Moscow tại ván cờ này.

Tuy nhiên, khi chính Washington và đồng minh đã trở thành con rối trong kịch bản của mình – như đã phân tích ở trên – thì việc tương kế tựu kế rất khó đạt kết quả tốt. Tổng thống Obama đã rời chính trường với sự huyễn hoặc “hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn việc tiêu hủy vũ khí hóa học của chính quyền Syria, là một thành tích trong chính sách đối ngoại của mình”.

Cựu Tổng thống Obama đã hoàn toàn việt vị trước Tổng thống Putin trong nước đi vũ khí hóa học của Syria, điều đó khiến cho Washington và các đồng minh không thể lật được thế cờ tại Syria
Cựu Tổng thống Obama đã hoàn toàn việt vị trước Tổng thống Putin trong nước đi "vũ khí hóa học của Syria", điều đó khiến cho Washington và các đồng minh không thể lật được thế cờ tại Syria

Song với những đồng minh đang tiếp tục đoạn trường, đặc biệt là giới chính trị truyền thống tại Mỹ, họ sẽ không chấp nhận “thành tích kiểu AQ” nên sẽ tìm cách lật ngược thế cờ với Moscow. Do vậy, việc tung chiêu điều tra độc lập, nhận định khách quan, kết luận với nhiều phát hiện mới để "cột cổ" chính quyền Assad là cách làm tốt nhất trong tình huống này.

Dưới lá cờ của LHQ và Tổ chức cấm vũ khí hóa học, Mỹ và đồng minh hy vọng có thể đưa ra nhiều cơ sở để khẳng định chính quyền Assad đã vi phạm Công ước 1997 về vũ khí hóa học mà Syria tham gia vào năm 2013. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, Nga, Bolivia bỏ phiếu chống, thì Ai Cập, Kazakhstan và Ethiopia đã bỏ phiếu trắng với Nghị quyết trừng phạt Syria.

Điều đó chứng tỏ phương Tây đã “lực bất tòng tâm” với nước đi của mình và cuối cùng là quay sang bài quen thuộc: lên án và đổ trách nhiệm cho đối phương. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết Nga phải chịu "trách nhiệm nặng nề đối với nhân dân Syria và toàn thể nhân loại", trước việc phủ quyết nghị quyết của HĐBA LHQ về việc trừng phạt chính quyền Assad.

Đại sứ Vương quốc Anh Matthew Rycroft thì lên tiếng: "Không hành động chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học là làm xói mòn niềm tin vào khả năng của cộng đồng quốc tế để giải quyết việc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, và nó cũng làm xói mòn lòng tin của người Syria vì họ là người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành động tấn công khủng khiếp đó".

Còn Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, thì thể hiện cảm xúc: "Đó là một ngày buồn của Hội đồng Bảo an khi các thành viên bắt đầu bào chữa cho các nước thành viên khác giết hại người dân của họ. "Họ đưa bạn bè của họ trong chế độ Assad gây hại cho an ninh toàn cầu... thế giới chắc chắn ngày một nguy hiểm hơn", theo tường thuật của BBC.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt