1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Nga-Phương Tây: Trận so găng chưa có hồi kết

Có thể ví những gì diễn ra trong mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây năm 2016 là một “trận so găng” cân não.

(Nguồn: russia-insider.com)
(Nguồn: russia-insider.com)

Bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine trở nên gay gắt đẩy mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thời điểm rơi vào tình trạng tồi tệ hơn cả giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Dù lo ngại xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ, hai quốc gia nắm giữ tới 90% kho vũ khí hạt nhân thế giới, đã được hóa giải, song việc hai bên chưa thể bắt tay nhau để trở lại bàn đối thoại, đang khiến tình hình ngày càng phức tạp.

Những đòn “ăn miếng, trả miếng” quyết liệt trong năm 2016 giữa Nga và phương Tây, cụ thể là giữa Nga-Mỹ và Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ thậm chí có lúc tới ngưỡng nguy hiểm, có thể đe dọa tới sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Mặc dù là hai cường quốc có ảnh hưởng lớn tới tình hình Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung, cùng tham gia chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, song những bất đồng về lợi ích và cách tiếp cận giữa Nga và Mỹ đang cản trở mọi nỗ lực kiến tạo hòa bình cho quốc gia Trung Đông vốn rơi vào tình trạng xung đột đẫm máu kéo dài suốt hơn 5 năm qua, cướp đi sinh mạng khoảng 500.000 người này.

Sự hỗ trợ khá hiệu quả của Không quân Nga theo đề nghị của Damascus đã giúp thay đổi cục diện thực tế theo hướng có lợi cho quân đội Syria, trước hết là đẩy lùi IS và các nhóm vũ trang bất hợp pháp, giành lại nhiều vùng lãnh thổ bị mất, trong đó phải kể đến chiến thắng mới nhất ở thành phố chiến lược Aleppo, qua đó giúp củng cố chế độ hợp pháp ở quốc gia Trung Đông này.

Về phần mình, Mỹ và liên quân chống khủng bố tại Syria tăng cường không kích và điều thêm lực lượng đặc nhiệm đến khu vực, đồng thời cung cấp thêm vũ khí mới cho lực lượng đối lập ở Syria mà Washington hậu thuẫn.

Tuy nhiên, chính sự thiếu hợp tác giữa Nga và Mỹ trong hoạt động tại Syria đã gây ra những hậu quả khó lường, đặt các máy bay của hai bên tham gia không kích chống khủng bố trên không phận Syria vào tình thế nguy hiểm với nguy cơ va chạm cao.

Bên cạnh đó, mặc dù Nga và Mỹ đã hậu thuẫn cho một loạt thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, song tất cả đều nhanh chóng đổ vỡ khi Washington không thực hiện yêu cầu của Moskva phân biệt rõ “phe đối lập ôn hòa” và “nhóm khủng bố.”

Mâu thuẫn giữa hai bên đặc biệt gay gắt khi ngày 17/9, liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích một vị trí của quân đội Syria ở miền Đông nước này, khiến 62 binh sỹ Syria thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương.

Sự cố đoàn xe viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria bị tấn công sau đó 2 ngày, mà cả Moskva và Washington đều đổ lỗi cho nhau về vụ việc, chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến đối đầu Nga-Mỹ thêm trầm trọng.

Washington tuyên bố chấm dứt đối thoại với Moskva về vấn đề Syria với lý do “Nga đã không thực hiện đúng cam kết về khôi phục thỏa thuận ngừng bắn cũng như duy trì công tác cứu trợ nhân đạo tại các thành phố bị chiếm đóng.”

Trong khi đó, Nga quyết định đình chỉ thỏa thuận nghiên cứu năng lượng hạt nhân, trao đổi uranium, theo đó mỗi nước loại bỏ 34 tấn plutonium ở cấp độ vũ khí bằng cách đốt trong lò phản ứng hạt nhân, được ký từ năm 2000, vì Moskva lo ngại "đe dọa sự ổn định chiến lược đang manh nha bởi các hành động không thiện chí của Mỹ."

Không chỉ leo thang căng thẳng ở chiến trường Syria, Nga và Mỹ tiếp tục "khẩu chiến” và đối đầu xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nơi khởi đầu cho tình trạng tồi tệ hiện nay trong quan hệ hai nước.

Mỹ và các đồng minh châu Âu chẳng những tiếp tục gia hạn mà còn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, bất chấp thực tế rằng chính các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang hứng chịu mức thiệt hại khoảng 50 tỷ euro/năm do các lệnh trừng phạt này.

“Đòn đánh” tiếp theo của Mỹ cùng đồng minh thuộc NATO để gây sức ép với Nga là tăng cường sự hiện diện quân đội và vũ khí sát biên giới Nga.

Viện lý do đề phòng “mối đe dọa từ Nga,” Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Ba Lan đã thông qua quyết định triển khai 4 tiểu đoàn quân đội đa quốc gia luân phiên ở Ba Lan và 3 quốc gia Baltic (Latvia, Litva và Estonia) với khoảng 1.000 quân mỗi tiểu đoàn.

Bên cạnh đó, NATO còn quyết định triển khai tại Bulgaria và Romania các lữ đoàn đa quốc gia, các đơn vị hậu cần, các loại xe tăng, thiết giáp ở Đông Âu...

Ngoài ra, NATO cũng tuyên bố Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), vốn bị Nga kịch liệt phản đối, đã bước vào giai đoạn đầu của việc triển khai.

Để đối phó với những động thái mà Nga coi là đe dọa an ninh quốc gia này, Moskva cũng tung ra hàng loạt “cú đỡ đòn” bằng cách tăng cường quân đội ở khu vực biên giới Tây Nam, đồng thời triển khai thêm hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga giáp Ba Lan và khu vực Baltic.

Hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực giáp giới giữa hai bên, với việc triển khai nhiều loạt vũ khí, không khỏi khiến dư luận lo ngại bất kỳ bước “sảy chân” nào cũng sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang.

Căng thẳng Nga-Mỹ thậm chí lên tới đỉnh điểm ngay trước thềm Năm mới 2017 khi Washington công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế mới nhằm vào Moskva, bao gồm việc yêu cầu 35 quan chức Đại sứ quán Nga ở Washington DC và Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco rời khỏi Mỹ trong vòng 72 giờ.

Phía Nga ngay lập tức tuyên bố đáp trả thích đáng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington đang mưu toan hủy hoại quan hệ song phương.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier từng cảnh báo sự đối đầu nguy hiểm hiện nay giữa Nga và Mỹ nói riêng cũng như Nga và Phương Tây nói chung đã dẫn tới một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Chẳng những thế, việc Nga không thể hợp tác với Mỹ và các nước Phương Tây trong những vấn đề toàn cầu, như an ninh, chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân hay giải quyết các “điểm nóng” Syria, Ukraine…, đang tạo ra nhiều nguy cơ mới.

Trong thông điệp liên bang 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định “Nga-Mỹ hợp tác là lợi ích của toàn cầu. Sự sụp đổ mối quan hệ này sẽ là thảm họa lớn."

Có thể nói mối quan hệ Nga-Phương Tây đã trải qua một giai đoạn dài sóng gió dữ dội và đã chạm "đáy" trong năm 2016.

Mặc dù Nga vẫn để ngỏ khả năng nối lại đối thoại nếu Mỹ và NATO sẵn sàng hợp tác, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tỏ tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với Moskva, NATO tuyên bố không định tiếp tục đối đầu với Nga, song “trận so găng” giữa Nga và Phương Tây chỉ có thể kết thúc khi cả hai nhận thức được rằng thế đối đầu hiện nay không những hủy hoại chính lợi ích của họ, mà còn ảnh hưởng lớn tới an ninh và ổn định toàn cầu./.

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/quan-he-ngaphuong-tay-tran-so-gang-chua-co-hoi-ket/423195.vnp