Phương Tây lại việt vị, lãnh đòn hồi mã thương của Putin
Nếu các đối thủ cứ muốn "chính trị hoá một phiên toà hình sự" thì Tổng thống Putin có thể ra đòn "hồi mã thương" khiến họ phải nhận lãnh hậu quả...
Đời sống chính trị Mỹ và các nước phương Tây đang bị xáo trộn bởi một làn gió mới bởi sự trỗi dậy của lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân túy và Tổng thống Nga Putin bị quy cho là một trong những nhân tố quan trọng gây nên “làn gió độc” ấy.
Và việc tỷ phú Trump đắc cử tổng thống Mỹ được xem là hậu quả rõ ràng nhất bởi "đòn độc" của Tổng thống Putin.
Giới chính trị truyền thống tại Mỹ và các nước đồng minh đang tìm cách hóa giải hay tối thiểu hóa tác hại của “hiệu ứng ngưỡng mộ Putin”, qua đó định hình lại các nền tảng của giá trị tự do – dân chủ truyền thống phương Tây.
Sau hàng loạt biện pháp tấn công trực diện không hiệu quả, dường như các đối thủ đã xem cuộc bầu cử tổng thống Nga nhiệm kỳ tiếp theo là thời điểm ra đòn thuận lợi nhất.
Chính vì vậy, khi còn phải hơn một năm nữa mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga – tháng 5/2018 – và ông Putin cũng chưa cho biết ý định liệu có theo đuổi một nhiệm kỳ nữa hay không, song các đối thủ đã chuẩn bị cho một cuộc quyết đấu với nhà lãnh đạo tối cao của nước Nga.
Và khuấy động, kích động những thế lực chính trị đối lập với Tổng thống Putin trong cuộc bầu cử sắp tới là một trong những cách thức được xem là hiệu quả nhất lúc này.
The New York Times ngày 8/2/2017 cho rằng việc tòa án thành phố Kirov - nằm ở phía đông bắc Moscow – kết án tù giam với nhà chính trị đối lập Aleksei Anatolyevich Navalny cho tội danh tham ô, được xem là động thái của Tổng thống Putin nhằm loại bỏ đối thủ được cho là nguy hiểm nhất với quyền lực của nhà lãnh đạo Nga trong thời điểm hiện nay.
Ông Aleksei Anatolyevich Navalny được xem là đứng sau các cuộc biểu tình đường phố lớn trong những năm 2011, 2012 và 2013 tại nước Nga, với chỉ trích chính quyền của Tổng thống Putin tham nhũng.
Từ đó hình ảnh của ông Navalny đã nổi bật trong hàng ngũ những chính trị gia đối lập gắn với biệt danh “anh hùng chống Putin” và cho biết sẽ ra tranh cử tổng thống Nga vào năm 2018.
Vì vậy, việc ông Navalny bị kết tội hình sự bị phương Tây nhận diện là hành động triệt tiêu đối lập chính trị của Tổng thống Putin.
Phương Tây luôn nhận định không chuẩn xác về nước Nga và các nước cờ của Tổng thống Putin
Cho đến lúc này có thể thấy rằng, Mỹ và đồng minh đã không chuẩn xác trong nhận định về nước Nga thời hậu Xô viết, từ đó có những hành động tấn công hay đối phó không phù hợp. Thậm chí trong nhiều trường hợp gây hiệu ứng ngược, khi muốn nước Nga suy yếu thì lại làm cho nước Nga mạnh mẽ hơn.
Điều đó cho thấy, trong việc kình chống nước Nga thời hậu xô viết, Mỹ và đồng minh luôn bị động trong hành động. Từ thành công của nước Nga hay thất bại của Tổng thống Putin thì dấu ấn của phương Tây đều rất mờ nhạt, cho dù họ đã có rất nhiều con bài chính trị quan trọng có thể kéo nước Nga về phía họ.
Sau một thời gian cởi mở chính trị, tại nước Nga thời hậu Xô viết, trong những năm đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ trước đã có lúc có tới hơn 100 đảng phái chính trị đăng ký hoạt động.
Tuy nhiên, hơn 20 năm sau trong cuộc bầu cử Duma năm 2016 chỉ có 14 đảng chính trị tham gia.
Những con bài chính trị tầm cỡ có xu hướng thân phương Tây như Grigory Yavlinsky – lãnh tụ đảng Yabloko, Boris Nemtsov – cố Phó Thủ tướng Nga hay Alexei Kudrin – cựu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nga, đều mất dần chỗ đứng trong đời sống chính trị Nga.
Năm 2012, chính trường Nga “bỗng nhiên dậy sóng”, lực lượng chống Putin thậm chí được xem là có thể chuẩn bị bước lên vũ đài chính trị tại xứ sở bạch dương và ông Aleksei Anatolyevich Navalny là một nhân vật nổi bật tại thời điểm đó.
Với thực tế đó, những “kẻ thù của Putin”, tin tưởng cuộc bầu cử Duma năm 2016 sẽ là cú giáng trời đánh với nhà lãnh đạo Nga.
Niềm hy vọng ấy còn mạnh mẽ hơn khi có sự cộng hưởng từ lệnh cấm vận nước Nga của phương Tây và giá dầu thô thế giới rớt thê thảm. Điều đó khiến cho cuộc sống người dân Nga khó khăn, kinh tế Nga khủng hoảng, sức mạnh Nga suy giảm.
Tuy nhiên, thực tế uy tín của Tổng thống Putin thời cấm vận lại có xu hướng ngược lại với khó khăn của nước Nga.
Tất cả các cuộc thăm dò đều cho kết quả là sự ủng hộ của người dân Nga dành cho vị tổng thống của họ luôn ngày càng cao hơn, theo Reuters. Và thậm chí, theo những kết quả thăm dò mới nhất tại Mỹ, tỷ lệ những người “ngưỡng mộ Putin” cũng ngày càng tăng tại xứ cờ hoa.
Còn theo kết quả cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga hồi tháng 9/2016 thì đảng Nước Nga Thống nhất – đảng chính trị của Tổng thống Putin - và các đảng thân Putin chiếm tới 76% số phiếu bầu và giành được tới 343 ghế trong số 450 ghế của Duma.
Nghĩa là phe thân Putin có thêm 100 ghế so với khóa trước, đem lại 2/3 cần thiết để có thể thay đổi Hiến pháp Nga.
Điều đó chẳng khác gì một thất bại nặng nề của Mỹ và đồng minh trong việc làm suy giảm quyền lực của Putin và cũng báo trước một chiến thắng không thể có được với những lực lượng chính trị đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, dù Tổng thống Putin có ra tranh cử nữa hay không.
Nhất là trong bối cảnh các nước đi của Tổng thống Putin đã mang lại những thành quả đáng tự hào cho nước Nga thời cấm vận, thì điều đó càng có cơ sở.
Triệt tiêu đối lập hay nghệ thuật giữ vững ổn định của Tổng thống Putin
Có thể nhận diện ưu tiên số một của Tổng thống Putin trong việc nắm giữ và thực thi quyền lực là đảm bảo ổn định xã hội – yếu tố quyết định đối với sự phát triển đất nước.
Ông đã thể hiện điều đó qua việc giải quyết dứt điểm xung đột tại Chechnya ngay sau khi nhận chức từ Tổng thống Boris Yeltsin.
Việc mang lại hòa bình cho Chechnya đã giúp nước Nga ổn định, tính thống nhất của nhà nước Nga được bảo đảm. Đời sống chính trị - xã hội Nga được ổn định giúp Tổng thống Putin có điều kiện tốt nhất để phát huy sức mạnh Nga trong phát triển đất nước và thể hiện sức mạnh Nga trong quan hệ đối ngoại.
Dù không tạo ra sự thần kỳ như Nhật, Đức nhưng Putin đã làm hồi sinh sức mạnh Nga tốt nhất có thể. Tiếp nhận một nước Nga hỗn loạn từ Boris Yeltsin, Putin đã dần đưa đời sống chính trị tại Nga vào tầm kiểm soát của chính quyền trung ương. Những cá nhân hay tổ chức tội phạm vốn được dung túng hay bao che bởi chính quyền thời Yeltsin đều bị Putin đưa ra trước pháp luật.
Hàng loạt những tài sản của nước Nga, của người dân Nga vốn bị chiếm đoạt bởi những cá nhân, tổ chức ở cả trong và ngoài nước, do những chương trình kinh tế không hợp thời của chính quyền Yeltsin, đều được Putin lấy lại, giữ lại cho nước Nga.
Khi quyền lợi kinh tế bị tước bỏ, quyền lợi chính trị bị đe doạ, từ đó xuất hiện nhiều nhân tố đối kháng, quyết ăn thua với chính quyền của Putin.
Tuy nhiên, với tài năng của mình, Tổng thống Putin đã vận dụng thành công nghệ thuật giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong quá trình quản lý và điều hành đất nước.
Năm 2003, Liên minh các Lực lượng cánh hữu (SPS) gồm những chính trị gia trẻ tuổi theo xu hướng cải cách của những năm 1990, như Anatoly Chubais, Boris Nemtsov đã tạo ra một hiệu ứng mới trong đời sống chính trị Nga.
Mặc dù vậy, Tổng thống Putin đã khiến SPS không thể tạo ra một làn gió khác đối với nước Nga. Nếu như năm 1999, SPS bước vào Duma là đảng lớn thứ tư với 29 ghế thì năm 2003 chỉ còn 3 ghế. Trong cuộc bầu cử năm 2007 đã không có ghế nào và năm 2008 thì SPS tan rã. Kết quả đó khiến phương Tây chỉ trích Putin "thủ tiêu đối lập" và tìm mọi cách để kết tội ông.
Song qua thời gian, thực tế đã chứng minh những nhân tố bị Tổng thống Putin trừng phạt hay thải loại đều có thể gây thiệt hại cho nước Nga hay gây tổn hại tới sức mạnh Nga tại thời điểm đó. Thậm chí, Putin đã tương kế tựu kế, tạo ra những ván cờ mới có lợi cho chính trường nước Nga.
Việc trọng dụng lãnh tụ đảng Rodina Dmitry Rogozin - người có khẩu hiệu chính trị nổi tiếng nhất lịch sử nước Nga hiện đại: "Hãy làm sạch thùng rác từ Moscow!" – là nước cờ cao.
Việc bổ nhiệm Rogozin làm Phó Thủ tướng, phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng và không gian của nước Nga năm 2011 hay bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Kudrin vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Nga năm 2016 này, đều tạo ra hiệu ứng tốt.
Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi Robert Shlegel - thân Kremlin - làm lu mờ hình ảnh của “anh hùng chống Putin” Navalny năm 2011 là một trong những thành công lớn nhất trong nghệ thuật chính trị của Putin.
Khi Navalny thúc đẩy chiến dịch chống Putin, nhà lãnh đạo Nga đã không ra tay, mà để Shlegel kết thúc chiến dịch của Navalny một cách hoàn hảo, thông qua việc tạo hiệu ứng xã hội thuận - nghịch, theo The Guardian.
Có thể nhận diện khi Boris Nemtsov ngã xuống vì những viên đạn từ một họng súng vô hình và khi Alexei Kudrin được đưa vào ván cờ mới của Putin, thì các cuộc bầu cử tại nước Nga sẽ luôn biết trước kết quả với chiến thắng không thể phủ nhận với các nước cờ của Tổng thống Putin.
Do vậy, việc ông Navalny bị kết tội tham ô là một việc hết sức bình thường chứ không hẳn là một toan tính chính trị như các đối thủ của Putin nhận định. Bởi lẽ, ở thời điểm Navalny nổi bật với hỉnh ảnh “anh hùng chống Putin” và người đứng đầu điện Kremlin không ra tay, song "người hùng trẻ tuổi" cũng không tạo được điểm nhấn trên chính trường Nga, thì với tình hình hiện nay Tổng thống Putin đâu cần phải "xuất chiêu"...
Chỉ có điều, nếu các đối thủ không thay đổi nhận diện sự việc, mà cứ muốn "chính trị hóa một phiên tòa hình sự" thì có thể họ lại việt vị trước Putin lần nữa và người đứng đầu nhà nước Nga có thể ra "đòn hồi mã thương" khiến các đổi thủ lại nhận lãnh những hậu quả khôn lường.
Theo Ngọc Việt
Đất Việt