Putin huy động cả quân đội-FSB chống "Mùa xuân nước Nga"
Tổng thống Putin vừa giao nhiệm vụ cho FSB bảo vệ bầu cử Quốc hội Nga, trong khi trước đó, quân đội cũng tuyên bố tham gia chống “Cách mạng màu”.
Nga: Phương Tây cũng đang chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội Nga
Trong một cuộc họp mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủy thác cho Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) nhiệm vụ bảo vệ cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) trước các biện pháp chống phá của các thế lực thù địch phương Tây.
Tại cuộc họp tổng kết công tác của Cơ quan An ninh FSB vừa được tổ chức, Putin đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó, nhà lãnh đạo Nga đã dành một phần trong bài nói của ông cho tình hình ở Trung Đông, gắn nó với hoạt động bảo đảm an ninh xã hội của cơ quan an ninh nước nhà.
Tổng thống Nga nhận xét rằng lực lượng an ninh đang tiến hành thành công cuộc đấu tranh chống khủng bố và những đồng lõa của chúng trong nội địa Nga. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng mà nguyên thủ quốc gia đặt ra trước các thành viên cơ quan an ninh trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Nga Putin còn đề cập đến con số không ít gián điệp nước ngoài đã bị phát hiện, bắt giữ và kết án, hoặc các tin tặc nước ngoài liên tục tấn công tài nguyên mạng Nga…được thể hiện trong báo cáo kết quả công tác của FSB.
Nhưng quan trọng hơn cả là những huấn thị giao nhiệm vụ của ông chủ Điện Kremlin về trách nhiệm nặng nề của FSB là bảo đảm cuộc bầu cử sắp tới vào Duma Quốc gia (Hạ viện Quốc hội Nga) khỏi sự can thiệp của nước ngoài.
Ông Putin công khai xác nhận rằng cơ quan chuyên trách an ninh hiện đang triển khai thực hiện công tác như vậy, trong bối cảnh là các kẻ thù của chúng ta ở nước ngoài cũng đang "chuẩn bị tích cực" cho cuộc bầu cử ở Nga, sẽ diễn ra sau đây 6 tháng.
Sau quá trình đọc các tài liệu được chuẩn bị thường xuyên dưới dạng tóm tắt hoặc chi tiết, ông Putin nhấn mạnh rằng, FSB cần không chỉ chặn đứng những toan tính nỗ lực can thiệp vào quá trình bầu cử, mà còn phải đánh lui “những kẻ thù bên trong của nền dân chủ”.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, những đối tượng này đang cố gắng hoặc thử lợi dụng những khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại, hoặc cực đoan hướng tới chia rẽ gây phân hóa cộng đồng xã hội của chúng ta. Do đó, FSB phải ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện này.
Cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga sẽ được tổ chức vào ngày 18-9 năm nay. Hiện thời, chính quyền và các đảng phái trong nước Nga chưa chính thức công bố hệ thống pháp luật có liên quan và chiến dịch tranh cử, nhưng qua thời gian, sự kiện lớn này đang ngày càng tới gần.
Ví dụ như trong các báo cáo của đảng Nước Nga thống nhất, số lượng hồ sơ ứng viên đăng ký tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng đã trở nên rất đông đảo, các đảng khác cũng trong tình trạng tương tự. Và đương nhiên là những phần tử thân phương Tây càng có cơ hội len lỏi vào phá hoại chính quyền của ông Putin càng lớn.
Hiện thời các đảng phái đang xúc tiến chiến dịch tiền bầu cử, chính quyền đang lo củng cố hoàn thiện pháp luật bầu cử. Duma Quốc gia đã phê duyệt hàng loạt những sửa đổi có tính kỹ thuật về trình tự bỏ phiếu. Thí dụ, đóng lối truy cập các trạm bỏ phiếu đối với các nhà báo trá hình mạo danh.
Từ giờ trở đi, các phóng viên chính thức của cơ quan truyền thông báo chí phải được sự xét duyệt của ủy ban cụ thể, không muộn hơn ba ngày trước mốc bầu cử. Trước đây, số lượng các quan sát viên chính thức từ các đảng và các ứng viên được giới hạn ở mức hai người.
Putin đặc biệt nhấn mạnh sự nguy hiểm của Cách mạng màu
Tờ Vzglyad đưa tin, hồi tháng 3-2015 ông Nikolai Patrushev Thư ký Hội đồng An ninh Nga đã tuyên bố rằng, Nga đã triển khai nghiên cứu sâu rộng và biết rõ cách thức chống lại những cuộc "cách mạng màu" và sẵn sàng "cung cấp tư vấn cần thiết cho các đối tác".
Theo lời ông, chiến lược “Cách mạng màu” hay còn gọi là “Diễn biến hòa bình, kết hợp bạo loạn lật đổ” mà Washington ưa dùng hàng chục năm qua đã xuất hiện với các nước trong không gian hậu Xô-viết, Trung Đông và Bắc Phi, nhiều khu vực khác ở khắp nơi trên thế giới.
Theo yêu cầu nhiệm vụ mới được Tổng thống Putin chỉ định, có lẽ đây là lần đầu tiên FSB đảm nhận thêm những nhiệm vụ ở tầm mức cao như vậy. Từ yêu cầu nhiệm vụ mới này cũng có thể nhận thấy là, ông Putin đặc biệt quan ngại trước sự nguy hiểm của Cách mạng màu.
FSB tới đây sẽ được tổ chức như một cơ cấu phức hợp, vừa đồng thời là một cơ cầu phản gián, nhưng còn đảm nhận thêm vai trò một dạng “cảnh sát chính trị”. Bởi trước đây cuộc đấu tranh với những phần tử cực đoan nội địa khác nhau thường được coi là công tác chủ đạo của Bộ Nội vụ.
Thời gian qua, các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc phương Tây âm mưu tiến hành “Cách mạng màu” hay “Mùa xuân nước Nga” đối với Nga, thông qua việc “ươm mầm, nuôi dưỡng, chỉ đạo” các nhân tố lãnh tụ trong các cơ quan chính quyền và các đảng phái đối lập ở Nga.
Thông qua hoạt động kích động các tư tưởng bất mãn với đường lối, chủ trương của chính quyền, bức xúc trước điều kiện kinh tế xã hội đang khó khăn, các đảng phái đối lập sẽ tổ chức biểu tình gây bất ổn xã hội, tiến tới bạo loạn lật đổ chính quyền bị phương Tây coi là “độc tài” của ông Putin.
Các cá nhân thân phương Tây được “cài cắm” trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nga sẽ phá hoại các chủ trương, đường lối; làm trì trệ tiến trình hoạt động hệ thống; cố tình làm sai làm trái để gây ra những hậu quả lớn cho chính quyền và đời sống xã hội.
Các chính trị gia Nga hiện coi hoạt động dạng như này là một kiểu “chiến tranh lai” kiểu mới, nhằm tiến hành “Cách mạng màu” hay “Mùa xuân nước Nga”, phá vỡ hệ thống chính trị hiện hành, thay đổi đường lối đất nước đi theo con đường phương Tây.
Do đó, không chỉ cơ quan an ninh FSB mà ngay cả các cơ cấu trong quân đội Nga cũng đã được huy động vào cuộc chiến chống âm mưu của kẻ thù tiến hành “mùa xuân nước Nga”.
Quân đội Nga được huy động chống Cách mạng màu
Ngày 01-3 vừa qua, giới lý luận quân sự Nga đã đề xuất một học thuyết dùng "quyền lực mềm" chặn đứng các cuộc "Cách mạng màu" (được thực hiện dưới dạng các cuộc “Chiến tranh lai”) trong chiến lược tiến hành “Mùa xuân nước Nga” của các thế lực thù địch.
Tờ Kommersant số ra hôm 1-3 trích dẫn báo cáo của Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga về việc quân đội nước này đối phó các cuộc "chiến tranh lai" bằng phương pháp đáp trả tương tự và soạn thảo khái niệm "quyền lực mềm".
Được biết, học thuyết lí luận mới này được đưa ra trong bối cảnh vào cuối tuần trước đã diễn ra một cuộc hội thảo ở Học viện Khoa học Quân sự Nga, với nội dung thảo luận là các phương pháp đối phó các cuộc "cách mạng màu".
Nhà lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Nga đã nêu những đặc thù của chiến tranh hiện đại với tính chất lai. Ông lưu ý, một phần không thể thiếu của chiến tranh lai hiện nay là "cách mạng màu", tấn công mạng và các hoạt động được chuẩn bị dưới dạng "quyền lực mềm".
Bộ Tổng tham mưu Nga đã quyết định sử dụng các cơ cấu của mình tham gia vào cuộc đấu tranh chống các cuộc "cách mạng màu", bởi giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga nhận định, trên thực tế các cuộc "cách mạng màu" chính là các cuộc đảo chính kiểu mới.
“Các cuộc ‘cách mạng màu’ đang xuất hiện dưới dạng chiến tranh lai, nên không thể đối phó với chúng bằng cách sử dụng quân đội thông thường, mà phải bằng các phương pháp chiến tranh lai" - tờ Kommersant trích dẫn tài liệu của Bộ tổng tham mưu Nga.
Tướng Gerasimov còn đề cập chiến dịch của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở Syria như một ví dụ về hiệu quả cao của sử dụng tổ hợp biện pháp đối phó các nhóm khủng bố, bao gồm các giải pháp quân sự kết hợp với hoạt động ngoại giao và các biện pháp phi quân sự, đối với các nước khác.
Được biết, cho đến thời gian gần đây, chủ đề "cách mạng màu" và việc chống lại những hình thái kiểu này chủ yếu do Hội đồng An ninh Nga đảm trách, nhưng bắt đầu từ tháng 6-2015, Bộ Tổng tham mưu Nga đã được chỉ định tham gia vào hoạt động này.
Các Học viện Quân sự trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt là Học viện Khoa học Quân sự Nga từ sáu tháng nay đã chủ động xúc tiến tìm hiểu nội dung và các phạm trù tiến hành “cách mạng màu” trên thế giới và ở Nga, từ đó đề xuất các phương pháp phòng chống và chặn đứng nguy cơ.
Theo tin đưa của báo "Kommersant", dẫn nguồn từ cơ quan công lực Nga, những công việc này được thực hiện trong khuôn khổ đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga, bao gồm mục tiêu phải hoàn tất trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020.
Công việc cụ thể bao gồm: Phân định những mối đe dọa hữu hình nhất đối với nền an ninh của đất nước, soạn thảo biện pháp chiến thuật của cái gọi là "sức mạnh mềm" và đưa ra khái niệm về nâng tầm văn hóa của các chính trị gia, công chức, đại diện doanh nghiệp và các công dân Nga khác.
Theo Huy Bình
Đất Việt