1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Philippines sẽ được và mất gì từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte?

(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 18/10 bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc. Với chuyến thăm này, ông Duterte có thể mang lại cho Philippines những khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc, nhưng đổi lại Manila có thể phải đặt cược bằng mối quan hệ đồng minh với Mỹ.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc. (Ảnh: Politico)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc. (Ảnh: Politico)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mô tả chuyến thăm này “một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử” của hai nước. Ông Duterte bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ Manila-Bắc Kinh thông qua thúc đẩy các hoạt động đầu tư, giao thương và trao đổi văn hóa. Mặt khác, ông cũng đối mặt với thách thức đáp ứng kỳ vọng của người dân về khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Nếu không đáp ứng được kỳ vọng này, chuyến thăm của ông Duterte sẽ bị coi là thất bại.

Giới quan sát cho rằng, trong chuyến thăm này, ông Duterte sẽ phải cân nhắc giữa những cái được và mất, nghĩa là Manila có thể nhận được những “món quà” từ người láng giềng Trung Quốc và đồng thời sẽ phải chấp nhận đánh đổi. Vậy liệu Philippines sẽ được gì và mất gì từ chuyến thăm này của ông Duterte?

Trung Quốc nhượng bộ để ngư dân Philippines trở lại Scarborough?

Trước thềm chuyến thăm, ông Duterte tuyên bố sẽ thảo luận về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ giữ nguyên lập trường. Chúng tôi sẽ không mặc cả bất cứ điều gì”, ông Duterte nói. Tuy nhiên, một ngày sau đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng, chuyến thăm của ông Duterte sẽ tập trung vào vấn đề kinh tế và rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để nói chuyện tranh chấp.

Lucio Pitlo III, giáo sư nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Ateneo Ricardo, cho rằng với quyết định này, Philippines sẽ có được nhượng bộ từ phía Bắc Kinh, theo đó, Trung Quốc sẽ để ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough của Philippines đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012.


Trung Quốc có thể nhượng bộ để ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. (Ảnh: Rappler)

Trung Quốc có thể nhượng bộ để ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. (Ảnh: Rappler)

Những khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc

Trong chuyến thăm Trung Quốc, trong phái đoàn tháp tùng Tổng thống Duterte có khoảng 400 lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có các tài phiệt giàu nhất Philippines. Ông Duterte nói rằng, chuyến đi lần này của ông nhằm củng cố quan hệ hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Philippines.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, hai bên sẽ ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm này của ông Duterte.

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Thương mại Shen Danyang hôm nay cho hay Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư với Philippines.

“Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác thương mại với Philippines, khuyến khích hoạt động đầu tư ở đó, tăng cường xây dựng hạ tầng và đào tạo nhân lực cho Philippines”, ông Shen nói.

Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Philippines được cho là sẽ có lợi cho kế hoạch khôi phục “Con đường tơ lụa cổ đại” của Trung Quốc. Trung Quốc từ lâu muốn khôi phục lại con đường thông qua Philippines này để thúc đẩy giao thương không chỉ với các nước trong khu vực châu Á mà còn cả châu Âu và châu Phi.

Đánh cược bằng quan hệ đồng minh với Mỹ


Ông Duterte từng tuyên bố muốn cắt quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. (Ảnh: AFP)

Ông Duterte từng tuyên bố muốn cắt quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. (Ảnh: AFP)

Kể từ khi lên nhậm chức vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Duterte phát đi tín hiệu muốn giảm dần phụ thuộc vào Mỹ - một đồng minh lâu năm của Philippines, trong khi muốn xích lại gần Trung Quốc bất chấp căng thẳng về tranh chấp chủ quyền.

Giới quan sát nhận định, dù ông Duterte tuyên bố sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nhưng những thỏa thuận mà ông có thể ký kết với Trung Quốc sẽ phải đánh đổi bằng quan hệ đồng minh với Mỹ.

Gregory Poling, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ nhận định: "Đó là chiến thuật rất lạ lùng. Với động thái của mình, ông Duterte đang đơn phương từ bỏ lá bài đặt cược duy nhất mà ông có với Bắc Kinh, đó là chiếc ô bảo trợ an ninh của Mỹ".

Với việc xa lánh Mỹ, ông Duterte đang đặt cược vào những lợi ích có thể thu về từ Trung Quốc nhưng không có sự đảm bảo giống như từ các đồng minh và đối tác truyền thống, Jay Batongbacal, Giám đốc viện nghiên cứu Luật biển và các vấn đề hàng hải, nhận định.

Minh Phương

Theo SCMP, Rappler