1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump và những lần phát ngôn “dậy sóng” trên mạng xã hội

(Dân trí) - Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng hiệu quả Twitter nhằm thông báo về chính sách đối ngoại, hé lộ về chiến lược, bình luận về các sự kiện chính trị, xã hội. Mỗi một bài viết của ông luôn có tác động mạnh mẽ, khiến cộng đồng mạng xã hội "dậy sóng".


Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)

Tổng thống Donald Trump đã xây dựng phong cách lãnh đạo khác biệt, khác hẳn với sự điềm tĩnh thường thấy của các chính trị gia thế giới. Ông thường thông báo những tuyên bố quan trọng, hé lộ hướng đi và chiến lược thông qua những thông điệp ngắn gọn trên mạng xã hội Twitter.

Thói quen sử dụng Twitter của ông Trump cũng là nguồn cơn gây tranh cãi. Dưới đây là những phát ngôn “dậy sóng” của ông năm qua.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên


Ông Trump gọi ông Kim Jong-un là Người tên lửa. (Ảnh: Twitter/Donald Trump)

Ông Trump gọi ông Kim Jong-un là "Người tên lửa". (Ảnh: Twitter/Donald Trump)

Mối đe dọa ngày càng gia tăng từ chương trình hạt nhân Triều Tiên được cho là thách thức lớn với chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ. Dù vẫn theo đuổi chính sách đàm phán, thương lượng nhưng đôi khi ông Trump dường như “thiếu kiên nhẫn” với Bình Nhưỡng. Đáp trả lại những thông điệp cứng rắn của Triều Tiên, ông Trump cũng có những phát ngôn mạnh mẽ không kém. Ông từng cảnh báo sẽ “tiêu diệt hoàn toàn” Triều Tiên bằng “lửa giận dữ”. Ông Trump cũng từng chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và đặt rất nhiều biệt danh cho ông Kim, trong đó có tên gọi “Người tên lửa”.

Truyền thông Triều Tiên đã lên án những phát ngôn của ông Trump cũng như chính sách của ông đối với Bình Nhưỡng. Trong một bài phát biểu, ông Kim Jong-un từng dọa sẽ “chế ngự Mỹ bằng hỏa lực”.

Thông điệp chưa nhất quán về quan hệ Trung - Mỹ

Ngoài Triều Tiên, quan điểm của ông Trump về mối quan hệ Mỹ Trung Quốc cũng là điều khiến giới quan sát “bối rối”. Ông Trump có những phát ngôn dường như “mâu thuẫn” về vấn đề Bắc Kinh. Khi còn là ứng viên tổng thống, ông từng cam kết sẽ “mạnh tay” hơn với Trung Quốc về vấn đề thương mại. Khi trở thành Tổng thống, ông đã chỉ định nhà kinh tế Peter Navarro, người gay gắt phê phán Trung Quốc, làm cố vấn thương mại cao cấp. Ông cũng điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, động thái đi ngược lại chính sách và dường như có thể gây “mích lòng” Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong năm đầu tiên làm tổng thống, ông Trump dường như đã có những phát ngôn thân thiện và hòa nhã hơn với Trung Quốc. Ông từng đăng tải bài viết ghi nhận nỗ lực của Trung Quốc với vấn đề Triều Tiên. Thực tế, Mỹ rất cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Ông Trump và những lần phát ngôn “dậy sóng” trên mạng xã hội - 3

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và mối liên hệ giữa các cá nhân trong chiến dịch vận động của Trump và chính quyền Nga.

Tổng thống Trump đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc có mối liên hệ giữa chiến dịch của ông và Nga, và chỉ trích cuộc điều tra của FBI. Tuy nhiên, ông Trump dường như đã “tự làm khó” mình khi bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey. Sau đó, ông Comey tiết lộ rằng ông Trump đã từng yêu cầu ông dừng cuộc điều tra ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, người phải từ chức vì bê bối có liên lạc với Nga.

Vụ việc tiếp tục phức tạp hơn khi chính ông Trump phải đối mặt với cuộc điều tra của Thượng viên do cố vấn đặc biệt Robert Mueller đứng đầu về việc sa thải ông Comey.

"Cuộc chiến" với truyền thông

Ông Trump chỉ mặt phóng viên, gọi CNN là "tin giả"

Các phương tiện truyền thông đã trở thành tâm điểm chỉ trích của Tổng thống Trump. Khái niệm “tin giả” được ông Trump sử dụng trong nhiều bài viết đã trở nên thông dụng trên Twitter và trong giới báo chí. Trừ Fox News, ông Trump dường như coi các phương tiện truyền thông còn lại là phe đối lập và hay lên án những hãng này đưa “tin giả”.

Vụ việc nổi tiếng nhất liên quan tới “tin giả” chính là khi ông Trump chia sẻ video được chỉnh sửa có hình ảnh ông “đấm thùm thụp” hay hạ đo ván hãng thông tấn nổi tiếng CNN. Ông Trump thậm chí còn gọi một số hãng tin là “kẻ thù” của người Mỹ.

Ông Trump cáo buộc hàng loạt hãng tin tức khác là tin giả. (Ảnh: Donald Trump/Twitter)
Ông Trump cáo buộc hàng loạt hãng tin tức khác là "tin giả". (Ảnh: Donald Trump/Twitter)

Cáo buộc ông Obama nghe lén tại tháp Trump

Ông Trump cho rằng chính quyền ông Obama đã đặt băng nghe lén ông tại tháp Trump. (Ảnh: Twitter/Donald Trump)
Ông Trump cho rằng chính quyền ông Obama đã đặt băng nghe lén ông tại tháp Trump. (Ảnh: Twitter/Donald Trump)

Một trong những vụ việc ồn ào nhất của ông Trump với người tiền nhiệm diễn ra hồi tháng 3 khi ông Trump đã cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nghe lén ông tại tháp Trump. Ngoài chia sẻ lên trên mạng xã hội Twitter, ông Trump thậm chí còn đưa vấn đề này ra trước quốc hội và yêu cầu điều tra. Ông Obama bác bỏ cáo buộc của người kế nhiệm.

Sự việc dừng lại ở đây khi đảng Cộng hòa không thể tìm được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh các cáo buộc của ông Trump là sự thật.

Vụ bạo loạn tại Charlottesville, Virginia

Trên mạng xã hội, Tổng thống Trump đã đưa ra những quan điểm không nhất quán về các vụ đụng độ giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và các nhóm chống phân biệt chủng tộc tại Charlottesville, Virginia. Ban đầu, ông im lặng một cách khó hiểu về vụ bạo loạn. Sau đó, ông Trump dường như chịu áp lực và lên tiếng chỉ trích các nhóm da trắng thượng đẳng. Chỉ một ngày sau, ông rút lại phát ngôn, thay vào đó lên án cả 2 phe đối lập trong cuộc đụng độ. Thái độ không rõ ràng của ông Trump với các nhóm phân biệt chủng tộc đã dấy lên những lo ngại trong dư luận Mỹ.

Đức Hoàng

Theo SCMP