1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những sai lầm có thể khiến bà Hillary “mất vé” vào Nhà Trắng

(Dân trí) - Cuộc chạy đua tranh cử tổng thống đối với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ dường như càng lúc càng trở nên trắc trở và bà không còn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận như giai đoạn đầu của chiến dịch.


Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AFP)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AFP)

Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã không còn thường xuyên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Hiện giờ, đối thủ nặng ký của bà - ứng viên Cộng hòa Donald Trump hoặc dẫn trước hoặc chỉ kém cách biệt vài điểm.

Nếu như trước kia người ta dễ dàng cho rằng Trump không bao giờ có thể trở thành tổng thống Mỹ, thì đến nay mọi thứ dường như đã thay đổi nhất là khi bê bối thư điện tử ngày càng trở thành trở ngại khó kiểm soát đối với bà Hillary hay bà cũng đang mất dần sự ủng hộ của giới trẻ…

Tạp chí Politico đã đưa ra ít nhất 4 lý do có thể khiến bà Hillary thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mà bà vốn có một khởi đầu khá ấn tượng. Politico thậm chí nhận định: “Trump sẽ không vẽ lại bản đồ chính trị, ông ấy cũng không cần làm vậy. Ông ấy chỉ cần giành thêm sự ủng hộ của một số ít cử tri nhất định ở một số bang nhất định”.

Chủ quan với cộng đồng Mỹ Latinh

Giới nghị sỹ Dân chủ có lẽ đều tin tưởng rằng, thái độ coi thường của ứng viên Trump với những người nhập cư gốc Latinh sẽ khiến cộng đồng này nghiễm nhiên đứng về phía bà Hillary.

Niềm tin của họ không phải là không có cơ sở bởi khi những người nhập cư này hợp pháp trở thành công dân Mỹ và có quyền bỏ phiếu, họ sẽ bỏ phiếu chống lại Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, rõ ràng nếu ông Trump có thể thay đổi chính sách tiếp cận, tạo được tiếng nói chung với cộng đồng thiểu số này thì không có gì đảm bảo rằng bà Hillary sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của họ cho tới phút cuối.

Cộng đồng người Mỹ Latinh có lẽ không dành nhiều sự ủng hộ cho bà Hillary như đã dành cho ông Obama. Chênh lệch giữa tỷ lệ người trong cộng đồng này ủng hộ hay không ủng hộ bà Hillary là 15 điểm phần trăm, trong khi với ông Obama năm 2012 là 46 điểm phần trăm. Năm 2008, trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của ông Obama, thậm chí 75% cộng đồng người Mỹ Latinh ủng hộ ông Obama.

Xa rời giới trẻ


Trong khi đối thủ Bernie Sanders giành được sự ủng hộ của giới trẻ thì bà Hillary chủ yếu giành được sự ủng hộ từ cử tri là phụ nữ trung niên. (Ảnh: Getty)

Trong khi đối thủ Bernie Sanders giành được sự ủng hộ của giới trẻ thì bà Hillary chủ yếu giành được sự ủng hộ từ cử tri là phụ nữ trung niên. (Ảnh: Getty)

Thế hệ Y, hay nói cách khác là thế hệ sinh năm từ 1980 đến 2000, được cho là sẽ lại một nữa góp phần quan trọng cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, trừ khi họ bị “lãng quên”.

Năm 2012, số cử tri Mỹ trong độ tuổi 18-29 giảm khoảng 1,8 triệu người. Năm 2016, sự thay đổi này có thể sẽ tác động tiêu cực đến chiến dịch tranh cử của bà Hillary tại một số bang tập trung nhiều trường đại học như Iowa, North Carolina, New Hampshire và Virginia. Trong khi đó, nếu như ứng viên đối thủ Bernie Sanders giành được sự ủng hộ của những cử tri trẻ tuổi thì bà Hillary phần lớn nhận sự ủng hộ từ những phụ nữ trung tuổi.

Rắc rối với các hiệp định thương mại tự do

Năm 2012, Richard Trumka - Chủ tịch Công đoàn Công nhân mỏ than Mỹ AFL-CIO và Mary Kay Henry - Chủ tịch nghiệp đoàn Lao động nói rằng các công đoàn đã đóng góp quan trọng vào chiến thắng của ông Obama. Hồi đầu năm nay khi đánh giá về hiệu ứng từ các ứng viên tổng thống đến các công đoàn, họ cho biết, các thành viên của họ đang quan tâm hơn đến chính sách của ông Trump.

“Các thành viên của chúng tôi đang quan tâm đến thông điệp của ông Trump. Ông Donald Trump đã đánh vào tâm lý của những người lao động đang giận dữ”, ông Trumka nói.

Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, cũng chung quan điểm với ông Trump, đa số các công đoàn ở Mỹ phản đối tự do thương mại. Trong cuộc chạy đua nội bộ đảng Dân chủ, nghị sỹ Sanders cũng đã dùng vấn đề tự do thương mại để tìm cách hạ gục bà Hillary.

Các cử tri công đoàn phần lớn đồng ý với quan điểm của Trump rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ lấy mất công ăn việc làm ở Mỹ. Và cho đến nay bà Hillary vẫn chưa có biện pháp đáng kể nào để đáp trả lại dư luận này. Bản thân bà Hillary rất ủng hộ hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) do chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton khởi xướng, song sau lại cho rằng đó là một “sai lầm”. Trong thời gian làm nghị sỹ bà cũng ủng hộ hầu hết các hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sự xuất hiện của một ứng viên ôn hòa


Ứng viên tổng thống vừa đề cử của đảng Tự do ở Mỹ. (Ảnh: AP)

Ứng viên tổng thống vừa đề cử của đảng Tự do ở Mỹ. (Ảnh: AP)

Một trong những chiến lược tranh cử của bà Hillary là biến những cử tri đang bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, chiến lược này có vẻ như không thực sự hiệu quả bởi những cử tri Cộng hòa không bỏ phiếu cho Trump không có nghĩa họ buộc phải bỏ phiếu cho bà Hillary.

Ví dụ, cựu thống đốc bang Massachusetts Bill Weld vốn được coi là tuýp nghị sỹ Cộng hòa ôn hòa. Ông phản đối Trump nhưng cũng không ủng hộ bà Hillary. Thực tế, chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay xuất hiện rất nhiều người giống như ông, đặc biệt ở khu vực đông bắc Mỹ. Thay vì ủng hộ bà Hillary, ông Weld lựa chọn ủng hộ ông Gary Johnson - người vừa được đảng Tự do đề cử để tham gia chạy đua vào Nhà Trắng hồi cuối tuần qua.

Sự xuất hiện của một ứng viên ôn hòa mới cũng đe dọa chiến lược của bà Hillary khi vốn tìm cách lôi kéo các nghị sỹ Cộng hòa vốn không sẵn lòng để ông Trump đại diện đảng này ra tranh cử. Hiện giờ các lãnh đạo Cộng hòa đã có thể lựa chọn giữa ông Trump hoặc Johnson mà không nhất thiết phải chọn bà Hillary.

Minh Phương

Theo Politico