1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật cảnh báo về ý định thực sự của Trung Quốc khi lập "Con đường tơ lụa" ở Bắc Cực

(Dân trí) - Bắc Kinh định mở các tuyến đường vận tải biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển ngành du lịch ở Bắc Cực. Điều này làm dấy lên những lo ngại đối với các quốc gia liên quan.


(Ảnh minh họa: AFP)

(Ảnh minh họa: AFP)

Trung Quốc công bố Sách Trắng về Bắc Cực

SCMP đưa tin, Bắc Kinh đang lên kế hoạch thực thi “việc kiểm soát lãnh thổ” đối với các khu vực ở Bắc Băng Dương và có thể điều thêm tàu chiến vào các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, trong một động thái mà các nhà phân tích nói là làm liên tưởng tới tham vọng của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông.

Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 1 đã lần đầu tiên công bố sách trắng tiết lộ chi tiết các kế hoạch đối với Bắc Cực và bày tỏ ý định đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề vốn ảnh hưởng tới khu vực với tư cách là một “quốc gia gần Bắc Cực”.

Sách trắng của Trung Quốc nhấn mạnh các điều kiện tại Bắc Cực ảnh hưởng như thế nào tới khí hậu, hệ sinh thái và các lợi ích của Trung Quốc, từ nông nghiệp tới đánh bắt, trồng rừng và các lĩnh vực khác. Sách trắng nói thêm rằng, khi Trung Quốc chia sẻ lợi ích với các quốc gia Bắc Cực khác, Bắc Kinh hi vọng hợp tác với các nước khác “nhằm xây dựng Con đường tơ lụa Bắc Cực và tạo thuận lợi cho sự kết nối và phát triển kinh tế, xã hội bền vững của Bắc Cực”.

Trung Quốc cũng nói rõ rằng nước này sẽ sử dụng các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực để “phục vụ các lợi ích của chính nước này”, bao gồm việc khai thác các tuyến vận tải biển tới châu Âu, khoan dầu, khí đốt và các tài nguyên khác, tận dụng nguồn hải sản và phát triển ngành du lịch Bắc Cực mới nổi.

Nhật Bản cảnh báo về các ý định của Trung Quốc

Ông Yoichi Shimada, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui, đã chỉ ra rằng Trung Quốc từng đưa ra nhiều lời hứa khi phớt lờ tuyên bố chủ quyền của các quốc gia quanh Biển Đông và chiếm các đảo, trong đó có lời hứa không quân sự hóa các đảo.

“Không có gì là bí mật khi Trung Quốc từ lâu muốn sử dụng Bắc Băng Dương cho các mục đích quân sự”, ông Shimada nói. “Họ nói về các cơ hội kinh tế và thực tế là điều này sẽ thúc đẩy thương mại, nhưng mọi quyết định mà Bắc Kinh đưa ra đều có ý định về quân sự”.

“Thật ngây thơ khi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ cân nhắc tới các yếu tố kinh tế vì họ cũng sử dụng lý do tương tự để kiểm soát các đảo ở Biển Đông”, ông Shimada nói.

Báo Yomiuri cũng bày tỏ những lo ngại tương tự trong một bài viết đăng tải ngày 13/2 khi nghi ngờ rằng “sáng kiến Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh cũng nhằm củng cố các mục đích quân sự. Bài báo nói thêm rằng Trung Quốc đã “phớt lờ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế’ ở Biển Đông và rằng các quốc gia khác “có mọi lý do để thận trọng về các động thái của Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực”.

Yomiuri kêu gọi chính phủ Nhật Bản, cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc, có vai trò quan sát tại Hội đồng Bắc Cực (gồm 8 thành viên), nhằm phối hợp thiết lập các quy định quản lý khu vực.

“Khi việc sử dụng các tuyến đường biển ở Bắc Kinh ngày càng gia tăng, sẽ có sự gia tăng số lượng các tàu chiến Trung Quốc và các tàu khác đi qua các eo biển Soya, Tsugaru và Tsushima. Ảnh hưởng của điều này đối với an ninh của Nhật Bản sẽ rất lớn. Chính phủ phải tăng cường chiến lược liên quan”, tờ báo viết.

Nhưng chuyên gia Shimada lo ngại rằng chính phủ Nhật Bản hiện chỉ tập trung vào các biện pháp nhằm bảo vệ quần đảo Senkaku ở Hoa Đong, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

“Không may là đây là nơi chúng ta hiện tập trung các khả năng phòng vệ. Những diễn biến mới này cho thấy cần phải quan tâm hơn tới Bắc Băng Dương”, ông Shimada nói.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm