Mỹ đổ chiến hạm vào Biển Đen khi Bastion đến Crimea?
Ngay khi Nga triển khai hệ thống tên lửa bờ Bastion đến Crimea, Mỹ đã tuyên bố sẽ triển khai thêm nhiều chiến hạm Aegis đến Biển Đen đối phó.
Kế hoạch của Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, họ không loại trừ khả năng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên chiến hạm tới Biển Đen, nhằm mục đích đối phó với Nga.
Washington có thể thực hiện kế hoạch này nếu nảy sinh nhu cầu “bảo vệ các đồng minh khỏi sự đe dọa của những tên lửa đạn đạo”. Tuyên bố trên đã được ông Frank Rose, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách kiểm soát vũ khí, kiểm tra và tuân thủ hiệp định đưa ra.
Phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, ông Frank Rose đã nói rằng, từ trước đến nay Mỹ không có kế hoạch đặt các hệ thống phòng không Aegis thường trực ở Biển Đen, bởi những quy định trong Công ước Montreux, vốn nghiêm cấm việc triển khai chúng trên cơ sở lâu dài.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, trong trường hợp xuất hiện những tình huống bất khả kháng, Hoa Kỳ có khả năng điều động đến đó các tàu khu trục và tuần dương hạm được trang bị hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Aegis”, nhằm ngăn chặn những mối đe dọa tiềm năng.
Hiện nay, Mỹ đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện quân sự và mở rộng các cuộc diễn tập quân sự tại châu Âu theo chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương, được khởi động từ năm 2014, với lý do bảo vệ các đối tác châu Âu của họ, đặc biệt là các nước đông Âu, đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Vào tháng 10 năm nay, Hoa Kỳ có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận liên hợp trên biển Sea Demonstration, kết nối các nước thành viên của Diễn đàn về phòng thủ tên lửa chiến trường trên biển do Mỹ lãnh đạo, với sự tham gia của các khu trục hạm Aegis Mỹ và Na Uy.
Các khu trục hạm được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ, có khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa rất mạnh tiến hành cuộc diễn tập ở khu vực đông bắc Đại Tây Dương, với mục đích xây dựng kế hoạch tập luyện đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.
Vừa qua, Hoa Kỳ cũng đe dọa triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung và lá chắn tên lửa, đồng thời triển khai vũ khí hạng nặng ở đông Âu và Baltic nhằm đối phó với Nga. Bởi vậy tuyên bố mới nhất này của Mỹ rất dễ khiến Nga nổi đóa và có những hành động đáp trả nguy hiểm.
Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ khó có thể thực hiện được do có liên quan đến Công ước Montreux. Công ước này đưa ra những tiêu chí hoàn toàn rõ ràng về việc hạn chế sự hiện diện của các tàu hải quân của các nước phi Biển Đen, cả về trọng tải lẫn về thời gian lưu trú.
Theo quy định trong Công ước này, tàu thuyền có lượng giãn nước quá 45.000 tấn sẽ không được phép đi qua eo biển Bosphorus. Một quy định khác là các tàu chiến không thuộc các nước khu vực biển Đen sẽ không được lưu trú quá 21 ngày.
Động thái của Nga
Trước khi Mỹ công bố kế hoạch triển khai của mình, Nga đã thực hiện việc triển khai hệ thống tên lửa bờ Bastion - loại vũ khí theo tuyên bố của Nga có thể khống chế toàn bộ Biển Đen và cả eo biển Bosphorus.
Theo RIA Novosti ngày 30/11, Bộ Quốc phòng Nga đã thực hiện triển khai hệ thống tên lửa bờ Bastion mới nhất đến bán đảo Crimea. Đợt triển khai Bastion gồm khoảng 10 xe, trong đó có 4 bệ phóng.
Hệ thống Bastion Nga triển khai tại Syria.
"Bastion sẽ được bố trí tại hai khu vực trên bán đảo. Các tổ hợp Bastion giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ biển tại Crimea", cơ quan báo chí thuộc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Quyết định triển khai này theo Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, chỉ với hệ thống Bastion, Moskva có thể giữ vững Crimea và kiểm soát toàn bộ eo biển Bosphorus.
Tuyên bố của Tướng Gerasimov được đăng tải trên trang Sputnik. Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga có đủ khả năng tiêu diệt bất cứ kẻ thù tiềm năng tiến vào Crimea, nhờ hệ thống trinh sát và vũ khí hiện đại.
"Hạm đội biển Đen có mọi thứ cần thiết để làm vậy: vũ khí và phương tiện tình báo phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách 500km. Chỉ riêng tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion đã mở rộng phạm vi kiểm soát lên 350km tới và bao quát Biển Đen và cả eo biển Bosphorus", Đại tướng Gerasimov tuyên bố.
Clip Nga phóng Bastion tại Syria:
Theo Tuấn Hưng
Đất Việt