Mỹ đề xuất tái lập liên minh hàng hải đối phó Trung Quốc
(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ đề nghị tái lập một liên minh chiến lược không chính thức gồm hải quân 4 nước Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ, trong bối cảnh Biển Đông leo thang căng thẳng.
Hãng tin New York Times cho biết, hôm qua 2/3, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, đã đề xuất khôi phục một liên minh chiến lược không chính thức gồm hải quân 4 nước Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ. Liên minh thử nghiệm này vốn đổ vỡ cách đây 1 thập niên do sự phản đối ngoại giao từ phía Trung Quốc.
Mặc dù không đề cập chi tiết đến Trung Quốc trong đề xuất đưa ra hôm qua nhưng Đô đốc Harris nói rằng: “Một số quốc gia lớn đang tìm cách bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn bằng những hành động dọa nạt hay khiêu khích”. Đó là lý do ông cho rằng lập một liên minh hàng hải quy mô lớn là cách tốt nhất để ngăn chặn tình hình này.
“Với khát vọng, (hải quân) Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Mỹ và nhiều quốc gia có chung suy nghĩ này có thể hoạt động ở bất cứ đâu ở các vùng biển lớn hay ở không phận phía trên đó”, ông Harris nói.
Đề xuất này là động thái mới nhất trong một thảo luận của Mỹ với Ấn Độ - một quốc gia vốn thận trọng với việc thiết lập các liên minh chiến lược - để tham gia một mạng lưới các cường quốc hải quân nhằm đối trọng với sự mở rộng của hải quân Trung Quốc
Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard R. Verma bày tỏ hy vọng rằng, “trong một tương lai không xa”, những cuộc tuần tra chung của tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ “sẽ trở thành một hoạt động chung và được hoan nghênh tại các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Giới chức Mỹ cũng cho biết thêm rằng, sau 10 năm Ấn Độ miễn cưỡng, đến nay Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận hỗ trợ hậu cần từ phía Ấn Độ để cho phép quân đội 2 nước có thể dễ dàng sử dụng nguồn lực của nhau phục vụ hoạt động tiếp nhiên liệu và sửa chữa.
Kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ. Ấn Độ đã tỏ ra phẫn nộ vào năm 2014 khi tàu ngầm của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc neo tại cảng Colombo của Sri Lanka. Ấn Độ cũng thận trọng theo dõi sự mở rộng của “Con đường tơ lụa trên biển” - một trong những dự án ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tập Cận Bình nhằm kết nối các cảng lớn trong đó có cảng ở Pakistan và Bangladesh.
Năm ngoái, trong chuyến thăm Ấn Độ hồi năm ngoái của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung về khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương, điều mà trước kia Ấn Độ từ chối.
Hãng tin Reuters tháng trước dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho hay, Mỹ và Ấn Độ đã thảo luận về các cuộc tuần tra chung, cả hai hy vọng có thể tiến hành hoạt động này trong năm nay. Các cuộc tuần tra có khả năng diễn ra ở Ấn Độ Dương, nơi hải quân Ấn Độ đóng vai trò lớn, cũng như ở Biển Đông.
Mỹ và Ấn Độ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng đều bày tỏ sự ủng hộ tự do hàng hải và hàng không.
Minh Phương
Tổng hợp