1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể đưa vũ khí tới Biển Đông

(Dân trí) - Các trang mạng quân sự của Mỹ gần đây đã đăng tải thông tin cho rằng các quan chức cấp cao và những nhà hoạch định chiến lược của Lầu Năm Góc đang cân nhắc các phương thức để tăng cường sức mạnh cho các hệ thống vũ khí của Mỹ trên thế giới, bao gồm cả khả năng triển các loại vũ khí phòng không ở những khu vực thuộc Biển Đông.


Nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ (Ảnh minh họa: AFP)

Nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ (Ảnh minh họa: AFP)

National Interest dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết một đạo luật về quốc phòng năm 2016, hay còn được biết tới với tên gọi Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (MSI), cung cấp quỹ để hỗ trợ cho nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ trong quá trình huấn luyện, trang bị và cung cấp vũ khí cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Bill Urban nói: "Bộ trưởng Quốc phòng Aston Carter cam kết giành 425 triệu USD trong tài khoá từ 2016 - 2020 cho MSI, với mức đầu tư ban đầu được triển khai cho tài khoá 2016 là 50 triệu USD để thúc đẩy nỗ lực của Bộ Quốc phòng".

Trong khi vẫn có xu hướng tổ chức các hoạt động với NATO ở khu vực Đông Âu và duy trì các phái bộ làm nhiệm vụ ở Iraq và Afghanistan thì Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không quên cam kết thúc đẩy chính sách tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương. Quá trình này bao gồm việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự với các quốc gia trong khu vực, phối hợp với giới lãnh đạo quân đội các nước, cũng như tiến hành các phương án di chuyển hoặc tái triển khai các loại vũ khí.

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn sau khi Trung Quốc được cho là đã đưa tên lửa đất đối không lên các khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Có ý kiến cho rằng Mỹ có thể đưa các loại vũ khí sử dụng cho chiến thuật tấn công nhằm vào các khu vực mà Trung Quốc giữ ở Biển Đông. Loại vũ khí được nhắc tới là pháo M777 Howitzer. Một quan chức quân đội Mỹ cấp cao nói với National Interest: "Chúng tôi có thể sử dụng loại pháo pháo M777 Howitzer để đánh bật những mối đe doạ khi đối phương tìm cách tấn công từ trên không bằng các tên lửa đạn đạo và hoả tiễn".

Theo quan chức trên, pháo M777 Howitzer hoặc pháo tự hành Paladin được cân nhắc như biện pháp đối phó trực tiếp và cơ động trước các loại tên lửa. Quan chức này nói thêm: "Pháo M777 Howitzer có thể được triển khai cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh trong khu vực. Đây là loại vũ khí có thể mang tới những cơ hội và lựa chọn mà chúng ta không có trước đây nhằm đối phó với các hệ thống tên lửa đặt trên mặt đất của đối phương".

Quan chức cấp cao của quân đội Mỹ trên cũng nói thêm: "Chính sách tái cân bằng ở châu Á không chỉ là về vấn đề quân sự mà còn cả về kinh tế. Quân đội Mỹ đang gặp nhiều thách thức ở Trung Đông rồi châu Âu cũng như các vấn đề mới nổi ở Bắc Phi. Do vậy, chúng tôi phải luân chuyển nhiều đơn vị tới các quốc gia khác nhau sao cho hợp lý".

Như vài năm trước, quân đội Mỹ đã triển 18.500 binh sĩ ở Hàn Quốc, 2.400 binh sĩ tại Nhật Bản, 2.000 binh sĩ ở Guam, 480 binh sĩ ở Philippines, 22.300 binh sĩ ở Hawaii và 13.500 binh sĩ ở Alaska. Quá trình triển khai này vẫn đang được thức đẩy nhằm hỗ trợ chiến lược tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực, cũng như để dễ dàng triển khai các cuộc tập trận chung thường niên.

Ngọc Anh