1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Jerusalem - vùng đất thiêng âm ỉ xung đột giữa “chảo lửa” Trung Đông (Kỳ II)

(Dân trí) - Đến Jerusalem và thăm những địa điểm quan trọng bậc nhất của các tôn giáo, du khách có thể hít thở không khí linh thiêng của một vùng đất hơn 5.000 năm tuổi, hiểu được sự bất an của người dân sống giữa vùng xung đột và cảm nhận hơi thở hiện đại của một khu vực phát triển công nghệ hàng đầu thế giới.


Khu vực Thành Cổ diện tích chỉ 1km2 được bao quanh bởi những bức tường thành, nơi tập trung các di tích của các tôn giáo (Đồ họa: BBC)

Khu vực Thành Cổ diện tích chỉ 1km2 được bao quanh bởi những bức tường thành, nơi tập trung các di tích của các tôn giáo (Đồ họa: BBC)

"Cuộc chiến tranh 6 ngày" thay đổi cục diện Trung Đông

Bất bình trước kế hoạch phân chia 2 nhà nước của Liên Hợp Quốc, các quốc gia Ả rập đã phát động Chiến tranh Ả rập-Israel năm 1948, với mục tiêu công khai là thiết lập một "quốc gia Palestine thống nhất", thay vì 2 quốc gia Do thái và Ả rập. Liên quân Hồi giáo ngay lập tức tấn công các lực lượng của Israel và vài khu định cư của người Do Thái.

Trong cuộc chiến không cân sức, một Israel non trẻ mới chào đời được một ngày phải đối đầu với một liên minh rất mạnh của các quốc gia Ả rập. Sau cuộc chiến kéo dài trong 10 tháng, ngắt quãng bởi vài giai đoạn ngừng bắn, Israel không chỉ chiến thắng liên quân Hồi giáo, ký kết thỏa thuận ngừng bắn với các nước Ả Rập láng giềng và còn mở rộng đáng kể biên giới lãnh thổ. Trong khi đó, không nhà nước nào được thành lập cho người Ả rập Palestine.

Sau cuộc chiến, Israel đã thông qua một luật lấy Tây Jerusalem làm thủ đô vào năm 1950. Trong khi đó, Đông Jerusalem, bao gồm khu Thành cổ, nằm dưới sự kiểm soát của Jordan.

Một sự kiện đẫm máu khác đã tác động rất lớn tới cục diện Trung Đông sau cuộc chiến năm 1948 là “Cuộc chiến 6 ngày” năm 1967 giữa Israel và các nước Ả rập. Sự hận thù giữa người Do Thái và người Ả rập lại bùng phát thành chiến tranh, khi Israel một lần nữa đối đầu với liên quân Ả rập gồm Syria, Ai Cập, Jordan và Iraq. Quân đội Ả rập triển khai lực lượng hùng hậu cùng hàng loạt máy bay chiến đấu, pháo và xe tăng với quyết tâm hủy diệt Israel. Nhưng kết cục, Israel đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chỉ sau 6 ngày và liên quân Ả rập hứng chịu thất bại cay đắng.

Hệ quả từ cuộc chiến 6 ngày, Israel giành quyền kiểm soát một vùng rộng lớn gồm Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập, Bờ Tây (gồm cả Đông Jerusalem) từ Jordan và Cao nguyên Golan từ Syria.

Sau cuộc chiến, Israel sát nhập Đông Jerusalem và vùng lãnh thổ lân cận vào Tây Jerusalem. Từ năm 1980, Israel thông qua Luật Jerusalem tuyên bố Jerusalem là thủ đô không thể chia tách của Israel. Động thái này gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng quốc tế và càng khiến người Palestine căm phẫn, bởi Palestine luôn tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của đất nước tương lai của họ.

Tất các cơ quan của chính phủ Israel giờ đây đều đóng tại Jerusalem, trong đó có quốc hội, dinh thự của tổng thống và thủ tướng, và tòa án tối cao. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, ngoại trừ Mỹ và một số ít nước khác, không công nhận Jerusalem là thủ đô của Isarel. Kể từ những năm 1980, không có đại sứ quán nước ngoài nào đặt tại Jerusalem, mặc dù năm 1995, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã ký thông qua đạo luật quy định di dời đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv đến Jerusalem. Kể từ đó, cứ mỗi 6 tháng, các tổng thống Mỹ lại ký sắc lệnh trì hoãn việc chuyển đại sứ quán.

Nhưng từ Nhà Trắng vào ngày 6/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ký sắc lệnh dời đại sứ quán Mỹ tới đây. Quyết định của ông Trump đã gây nên một “cơn địa chấn” tại Trung Đông và được xem là đòn giáng vào tiến trình tìm kiếm kéo dài nhiều năm qua về hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tìm kiếm hòa bình cho vùng đất thiêng


Cảnh sát được trang bị vũ khí làm nhiệm vụ gần Bức tường Than khóc ở Jerusalem (Ảnh: An Bình)

Cảnh sát được trang bị vũ khí làm nhiệm vụ gần Bức tường Than khóc ở Jerusalem (Ảnh: An Bình)

Người Palestine và Ả rập ngay lập tức có phản ứng với quyết định của Tổng thống Trump, với các cuộc biểu tình và bạo lực nổ ra tại Bờ Tây và Dải Gaza, cũng như bên ngoài các đại sứ quán của Mỹ tại các quốc gia Ả rập và những nước có đa số dân là người Hồi giáo. Bốn người Palestine đã thiệt mạng và 98 người bị thương trong các cuộc biểu tình và xô xát quanh Bờ Tây và Dải Gaza hồi tuần trước.

Tại Jerusalem, trung tâm của xung đột và hận thù giữa người Do thái và người Ả rập, an ninh đã được thắt chặt hơn bao giờ hết kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ủng hộ thành phố này là thủ đô của Israel.

Hôm 10/12, một thanh niên Palestine đã dùng dao đâm một nhân viên an ninh Israel dẫn tới trọng thương tại Jerusalem trong một vụ việc mà giới chức Israel gọi là tấn công khủng bố. Nghi phạm sống ở Bờ Tây và đã viết các thông điệp “máu được hiến dâng” cho thành phố thánh địa trên mạng xã hội Facebook chỉ vài ngày trước.

An ninh vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối tại Israel sau hàng loạt các vụ tấn công khủng bố và bạo lực. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Israel, chỉ tính từ năm 2000 đến hết tháng 11/2017, tổng cộng 1.334 người đã thiệt mạng do các vụ bạo lực và khủng bố do người Palestine gây ra.

Trò chuyện với nhóm phóng viên Việt Nam có chuyến công tác tại Israel cuối tháng 10 vừa qua, một nhân viên nhà hàng Bet Habad tại khu thương mại Sarona ở thành phố Tel Aviv vẫn chưa hết hoảng sợ khi kể lại cảnh chứng kiến vụ tấn công khủng bố ngay cạnh nhà hàng hồi tháng 6/2016 khi hai kẻ khủng bố Ả rập nổ súng vào những người đang ngồi tại một nhà hàng ở khu Sarona, làm 4 người chết và 17 người bị thương.

“Chúng tôi nghe thấy những tiếng súng inh ỏi và tôi nhìn qua cửa sổ tầng 2 thấy có người nằm dưới đất. Sau đó tất cả mọi người sơ tán lên tầng 2 để đảm bảo an toàn”, nữ nhân viên nhà hàng Bet Habad nhớ lại.

Tại Jerusalem, Cảnh sát biên giới Israel hiện diện dày đặc khắp thành phố, dù là tại các địa điểm tôn giáo linh thiêng, gần các tòa nhà chính phủ hay thậm chí ngay tại các khách sạn lớn. Các cảnh sát ăn mặc giống binh sĩ và mang vũ khí tuần tra 24/24 trên đường phố Jerusalem, sẵn sàng hành động khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào khả nghi. Ước tính, chỉ riêng Jerusalem đã chiếm gần 20% số thành viên của Cảnh sát biên giới Israel.

Các tòa nhà chính phủ ở Jerusalem luôn có nhân viên an ninh đứng gác 24/24. Theo luật của Israel, những người trên 21 tuổi làm việc trong lĩnh vực an ninh và thực thi luật pháp, hoặc sống tại “các khu vực ưu tiên quốc gia” được phép mang súng.

Sân bay quốc tế Ben-Gurion, cách Jerusalem khoảng 40km, được xem là một trong những sân bay được đảm bảo an ninh nghiêm ngặt nhất thế giới. Cảnh sát và Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) phối hợp đảm bảo an ninh tại sân bay. Dù tới thăm Israel theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này nhưng nhóm nhà báo Việt Nam phải trải qua một vòng hỏi đáp và hai lần kiểm tra an ninh khi đến và rời sân bay Ben-Gurion.


Bức tường Đông Jerusalem ngăn cách giữa Palestine và Israel ở Bờ Tây (Ảnh: VideoBlocks)

Bức tường Đông Jerusalem ngăn cách giữa Palestine và Israel ở Bờ Tây (Ảnh: VideoBlocks)

Nhà báo kỳ cựu Herb Keinon chuyên viết về chính trị của báo Jerusalem Post, đã chia sẻ với các phóng viên Việt Nam cảm giác khó khăn khi phải đưa tin về bạo lực mà chính con trai ông đang làm nhiệm vụ trong quân đội ở đó. Chiêm nghiệm về cuộc sống tại vùng đất linh thiêng Jerusalem, ông nói an ninh và sự an toàn luôn là điều quan trọng hàng đầu với người Israel.

Đường từ Jerusalem đi Biển Chết xuyên qua khu Bờ Tây, nơi Israel giành quyền kiểm soát kể từ “Cuộc chiến 6 ngày” năm 1967. Chút lo lắng, bất an là điều không tránh khỏi đối với những du khách lần đầu đến khu vực này khi xe đi qua những ngôi làng và thành phố của người Palestine và các khu định cư của người Israel. Những bức tường bê tông và hàng rào dây thép gai cao ngất, lạnh lùng ngăn cách các khu dân cư là một bằng chứng cho mâu thuẫn khó thể thu hẹp trong một sớm một chiều tại khu vực tranh chấp nóng bỏng của Trung Đông.

Đến Jerusalem và thăm những địa điểm quan trọng bậc nhất của các tôn giáo, du khách có thể hít thở không khí linh thiêng của một vùng đất hơn 5.000 năm tuổi, hiểu được sự bất an của người dân sống giữa vùng xung đột và cảm nhận hơi thở hiện đại của một khu vực phát triển công nghệ hàng đầu thế giới.

(Hết)

An Bình