1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hội nghị Ngoại trưởng G7 giải quyết nhiều “hồ sơ nóng” của thế giới

Ngoài xem xét quan hệ với Nga, Hội nghị Ngoại trưởng G7 còn thống nhất quan điểm trong xử lý các vấn đề Syria, hạt nhân Iran và Triều Tiên.

Với 9 phiên thảo luận kéo dài trong hai ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) hôm 23/4 đã kết thúc tại Toronto, Canada với sự thống nhất của các nước đối với nhiều vấn đề “nóng” của thế giới, trong đó có việc chỉ trích các “hành vi”của Nga gần đây, cam kết duy trì sức ép đối với Triều Tiên hay việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân Iran.


Hội nghị G7 đề cập nhiều hồ sơ nóng trên thế giới. Ảnh minh họa : bundesregierung.de.

Hội nghị G7 đề cập nhiều "hồ sơ nóng" trên thế giới. Ảnh minh họa : bundesregierung.de.

Tại hội nghị, Ngoại trưởng các nước G7 tiếp tục chỉ trích Nga với những cáo buộc “không mới” như can thiệp bầu cử tại một số nước, tấn công hóa học tại Anh cũng như sự ủng hộ “không công bằng” của Moscow đối với Chính phủ của Syria.

Quyền Ngoại trưởng Mỹ John Sullivan và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhắc lại cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tại một số nước, trong đó có Mỹ vào năm 2016. Đại diện Ngoại giao hai quốc gia này cam kết sẽ hành động để ngăn chặn hành vi “tương tự” từ phía Nga trong tương lai, đồng thời kêu gọi G7 đoàn kết và thống nhất hơn để đối mặt với sự can thiệp từ bên ngoài đối với “nền dân chủ”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định, các nước G7 đã nhất trí sẽ thận trọng và cảnh giác trong mối quan hệ với Nga, đồng thời cho biết sẽ đề xuất thành lập một nhóm “nghiên cứu đặc biệt” về cách ứng xử của Nga sau những căng thẳng giữa Nga với phương Tây gần đây. Đề xuất này sẽ được các Ngoại trưởng G7 trình lên lãnh đạo của mình để phê chuẩn trong cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói:“Hôm 23/4, chúng tôi đã quyết định sẽ thành lập một nhóm G7, chuyên nghiên cứu các vấn đề về Nga, cách ứng xử của Nga trong tất cả các vấn đề, cho dù đó là tấn công mạng, đưa thông tin sai sự thật, hay bất kể mọi điều gì xảy ra. Nhóm này sẽ chỉ ra tất cả mọi điều này”.

Về vấn đề Syria, Ngoại trưởng các nước G7 kêu gọi Nga nên hành động mang tính xây dựng hơn trong việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng các nước G7 cũng không thể phủ nhận vai trò của Nga trong vấn đề này. Bởi trên thực tế, Nga mới là nước duy nhất hành động quân sự hợp pháp tại Syria theo lời đề nghị của Chính phủ Tổng thống Syria Al Assad trong việc hỗ trợ chống khủng bố.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến Nga, Hội nghị Ngoại trưởng G7 còn thống nhất quan điểm trong cách thức giải quyết các vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

Về vấn đề Triều Tiên, dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện đang có nhiều chuyển biến tích cực khi sắp diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ – Triều, song các nước G7 vẫn muốn duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên cho tới khi bán đảo này được phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Cũng tại Hội nghị, bất chấp trước sức ép phải sửa đổi một số điều khoản được cho là còn nhiều “sai sót” của thỏa thuận hạt nhân Iran từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, các quốc gia Châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết thực hiện đúng thỏa thuận này như một hành động “duy trì” ổn định cho khu vực vốn đã quá nhiều bất ổn. Thay vì đàm phán sửa đổi, các quốc gia này đang cố gắng thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận với Iran.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, do Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland chủ trì, là bước chuẩn bị cuối cùng cho chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra tại Charlevoix ở tỉnh Quebec, Canada, trong 2 ngày 7 và 8/6 tới.

Theo Đình Nam

VOV