1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD có thể bị trì hoãn ở Hàn Quốc

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 6/6 đã khởi động quá trình đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới môi trường. Động thái này có thể khiến việc triển khai hệ thống của Mỹ sẽ chậm trễ tới cả năm.


Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Ảnh: Reuters)

Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Ảnh: Reuters)

Yonhap đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo hôm qua cho biết: “Việc đánh giá mức độ ảnh hưởng tới môi trường của hệ thống phòng thủ lên tầm cao giai đoạn cuối THAAD là để đảm bảo tính hợp pháp của việc triển khai hệ thống này. Do đó Bộ quốc phòng sẽ xem xét cách thức để thực hiện quy trình đánh giá. Việc hoàn thiện đánh giá có thể khiến quá trình triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc bị tạm ngừng”.

Được biết, động thái trên là chỉ thị từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một ngày sau khi Thứ Trưởng Quốc phòng Wee Seung-ho bị cách chức. Quyết định miễn nhiệm Thứ trưởng Wee có liên quan trực tiếp đến cuộc điều tra về việc Bộ Quốc phòng "quên" báo cáo với Tổng thống về 4 bệ phóng tên lửa THAAD được triển khai. Theo Yonhap, ông Wee được cho là muốn việc triển khai THAAD sẽ “thoát” khỏi các quy trình kiểm duyệt về môi trường.

Theo luật của Hàn Quốc, việc lắp đặt hay xây dựng mới trên diện tích lớn hơn 330.000 m2 sẽ phải có đánh giá về ảnh hưởng tới môi trường. Trong thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống THAAD tháng 7/2016 có nêu rõ Seoul sẽ cung cấp gần 700.000 m2 đất để triển khai THAAD theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, THAAD được triển khai trên diện tích 320.000 m2, do đó không phải trải qua quy trình đánh giá môi trường đầy đủ. Việc triển khai ở giai đoạn 2 diễn ra trên diện tích 380.000 m2.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Hàn Quốc là thỏa thuận giữa Mỹ và chính quyền của cựu Tổng Thống Park Geun-hye từ năm 2016. Theo đó, Hàn Quốc sẽ đồng thuận cung cấp đất, còn Mỹ sẽ chi trả chi phí lắp đặt và bảo dưỡng.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mong muốn đàm phán lại về các điều khoản trong thỏa thuận, với yêu cầu Hàn Quốc phải trả một khoản tiền cho hệ thống này. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã bác bỏ yêu cầu này của ông Trump.

Đức Hoàng

Tổng hợp