1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Đả hổ diệt ruồi” ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc?

Chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc bắt đầu tác động tới nền kinh tế nước này. Ngoài việc làm giảm sản lượng, chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” ở Trung Quốc còn gây thiệt hại cho các hoạt động kinh doanh.

Tác động kinh tế rõ nét nhất của chiến dịch này là ngành xa xỉ phẩm. Việc mua sắm của Trung Quốc chiếm 1/3 lượng mua hàng xa xỉ trên toàn cầu. Mức tiêu thụ hàng xa hoa ở quốc gia này đã tăng trung bình 27% từ năm 2007-2012. Nhưng năm ngoái, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc lần đầu tiên đã giảm xuống mức âm. Năm 2014, nhiều nhãn hàng lớn đã phải đóng các cửa hàng do hậu quả của suy thoái, trong khi những nhãn hàng khác bị giảm mạnh doanh số bán hàng. Sàn Giao dịch Kim cương Thượng Hải báo cáo mức bán kim cương đã sụt giảm trong 4 tháng liên tiếp vào tháng 1/2015.

Động lực của thị trường xa xỉ Trung Quốc trong nhiều năm là thói quen tặng quà. Việc mua sắm quà tặng đã chậm lại đáng kể trong hai năm qua do chiến dịch bài trừ tham nhũng.

Một cửa hiệu thời trang Versace ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Một cửa hiệu thời trang Versace ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Hàng chục quan chức cấp cao, hàng trăm quan chức cấp thấp đã bị bắt, bỏ tù hoặc kiểm điểm kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” từ năm 2012 đã có một tác động đáng chú ý đối với thói quen lâu đời về tặng quà và điều đó đã ảnh hưởng đến các nhãn hàng sang trọng.

Các thanh tra chống tham nhũng của Trung Quốc đã phát hiện ra một kho tiền mặt và hàng xa xỉ. Cuộc điều tra ông Dương Đạt Tài, Giám đốc Cơ quan Quản lý An toàn Lao động, đã bắt đầu sau khi các công dân mạng công bố trên mạng xã hội những bức ảnh ông này đeo rất nhiều đồng hồ đắt tiền khác nhau, mỗi cái được cho là có giá trên 16.000USD. Các bức ảnh trên mạng đã cho thấy ông này còn mang một cặp kính Roters, một nhãn hiệu của Đức, trị giá hơn 20.000USD.

Theo báo cáo, các cuộc bố ráp vào cơ ngơi của ông Chu Vĩnh Khang, đang bị điều tra về tội tham nhũng, đã thu được 62 chiếc xe nội và ngoại, 55 bức tranh trị giá 129 triệu USD và rất nhiều chai rượu vang đắt tiền.

Lưu Hán, một trùm khai thác mỏ, mà nhiều nguồn tin nói là có dính dáng với ông Chu Vĩnh Khang, sở hữu hàng trăm chiếc xe, kể cả nhiều chiếc Rolls-Royce, Bentley và Ferrari. Các thanh tra cũng phát hiện ông này còn có cả một chiếc đồng hồ Franck Muller Conquistador 8005K, mà theo giá đăng trên mạng là trên 110.000USD. Ông Lưu đã bị tử hình vào tháng trước sau khi bị kết tội “tổ chức và cầm đầu băng đảng tội phạm theo kiểu mafia và giết người”.

Nhưng với việc các thanh tra chống tham nhũng theo dõi chặt chẽ ngành hàng này và hàng nghìn người sử dụng Internet thường xuyên đăng tải các bức ảnh các quan chức và thân nhân của họ phô trương xe, túi xách, đồng hồ, quần áo... thì thói quen này đang thay đổi đi. Kết quả là người giàu ở Trung Quốc hiện giữ mình khỏi con mắt của thanh tra chính quyền cả ở trên mạng lẫn ngoài đời. Và thay vì bị bắt gặp trong các cửa hàng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, số người giàu Trung Quốc thích mua hàng xa xỉ trong các chuyến đi nước ngoài đang tăng lên.

Cùng với chiến dịch bài trừ tham nhũng, nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc cũng có tác động. Chính quyền Trung Quốc đã giảm mục tiêu tăng trưởng xuống 7% cho năm 2015, khiến cho khả năng cải thiện thị trường xa xỉ bị thu hẹp lại.

Theo các chuyên gia, với thị trường quà tặng gần như biến mất, người tiêu dùng duy nhất mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc sẽ là những người mua hàng theo ý thích hoặc vì nhu cầu cấp thiết. Các nhãn hàng xa xỉ cần phải làm việc nhiều hơn để duy trì doanh số bán hàng ở Trung Quốc trong những tháng sắp tới.

Các nhà kinh tế học và các chuyên gia tài chính cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc chẳng những gây thiệt hại cho các hoạt động kinh doanh mà còn làm cho sản lượng sút giảm. Chiến dịch đả hổ diệt ruột ở Trung Quốc trong năm nay đang chú trọng nhiều hơn tới mục tiêu bài trừ tham nhũng tại các công ty quốc doanh. Truyền thông Trung Quốc cho hay, 26 đại công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ viễn thông cho tới năng lượng, sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà điều tra tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trong năm 2015.

Trước những sức ép quá lớn của các nhà điều tra chống tham nhũng, các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang rơi vào trạng thái “ngủ”. Điều này sẽ kìm hãm mục tiêu phát triển, không khích lệ để các doanh nghiệp làm việc nhiều hơn. Từ đó, kéo theo giảm mức tăng trưởng của cả nền kinh tế Trung Quốc.

Cũng có ý kiến cho rằng những tác động kinh tế của chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Trung Quốc sẽ chỉ kéo dài trong ngắn hạn. Một khi chiến dịch này giúp trong sạch hóa việc quản lý ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tình hình sẽ khác. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra cho thấy chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục lâu dài và sẽ không giảm cường độ.

Theo S.Phương (tổng hợp)
PetroTimes