1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia nghi ngờ tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên

(Dân trí) - Chuyên gia hiện vẫn đưa ra những đánh giá trái chiều về vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên. Trong khi một số người công nhận Bình Nhưỡng đã thử một quả bom nhiệt hạch, một số khác lại tỏ ra hoài nghi.

Đèn trần rung lên khi Triều Tiên thử hạt nhân


Người dân Triều Tiên xem bản tin về vụ thử hạt nhân tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 3/9 (Ảnh: Reuters)

Người dân Triều Tiên xem bản tin về vụ thử hạt nhân tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 3/9 (Ảnh: Reuters)

Vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên kéo theo các cơn địa chấn có thể cảm nhận được ở nhiều nơi trên thế giới. Những rung chấn đầu tiên được một trạm địa chấn của Trung Quốc cách bãi thử của Triều Tiên khoảng 370km. Vài giây sau đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận các rung chấn này, và sau khoảng 12 phút có thể phát hiện ở Canada Australia và Scotland.

Tổng cộng hơn 130 trạm địa chấn đã ghi nhận được các rung chấn từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, thậm chí ở nơi cách xa như Argentina.

Dựa trên mức độ rung chấn tương đương một trận động đất có cường độ 6,3 độ Richger, các chuyên gia ước tính đương lượng nổ của quả bom khoảng 100 kiloton, gấp 10 lần quả các quả bom mà Bình Nhưỡng thử trước đó.


Rung chấn từ vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên có thể cảm nhận được ở nhiều nơi trên thế giới. (Đồ họa: Guardian)

Rung chấn từ vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên có thể cảm nhận được ở nhiều nơi trên thế giới. (Đồ họa: Guardian)

Bà Anne Strommen Lycke, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Norsar của Na Uy, cho rằng giới chuyên gia có thể hoài nghi về vụ thử hạt nhân năm 2016 của Triều Tiên, nhưng lần này, có rất ít bằng chứng để nghi ngờ.

“Nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu rung chấn thì không thể phân biệt giữa một vụ nổ bom nguyên tử thông thường với một vụ nổ bom nhiệt hạch, nhưng khi rung chấn với quy mô lớn như này, thì tuyên bố đó là một bom nhiệt hạch sẽ đáng tin cậy hơn”, bà nhận định.

Một quả bom H thường được thiết kế gồm 2 tầng, trong đó tầng sơ cấp là một quả bom phân hạch và tầng thứ cấp là nhiên liệu sử dụng cho phản ứng nhiệt hạch. Quả bom hạt nhân sơ cấp sẽ được dùng để tạo ra vụ nổ thứ cấp với sức công phá mạnh hơn, và việc kết hợp vụ nổ phân hạch sơ cấp với vụ nổ nhiệt hạch thứ cấp sẽ tạo ra sức công phá cuối cùng của bom nhiệt hạch. Do cần nhiều bước kích nổ cũng như các loại nguyên liệu đầu vào nên bom nhiệt hạch được chế tạo khó hơn so với bom nguyên tử.

Trong khi đó ông Kim Dong Yub, chuyên gia quân sự tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul, cho rằng thiết bị được Triều Tiên thử nghiệm hôm qua có thể chỉ là một quả bom nguyên tử "tăng cường", nghĩa là một quả bom nguyên tử sử dụng một số đồng vị hydro để tăng cường sức công phá. Chuyên gia này ước tính, đương lượng nổ của quả bom chỉ khoảng 60-80kiloton, thấp hơn nhiều so với một quả bom nhiệt hạch.

Ông Alexander Uvarov, Tổng biên tập của trang AtomInfo.ru, trang tin tức về lĩnh vực hạt nhân nguyên tử của Nga, cũng đưa ra nhận định tương tự.


Hình ảnh mà truyền thông Triều Tiên nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp thị sát một quả bom nhiệt hạch trước vụ thử vào ngày 3/9. (Ảnh: Reuters)

Hình ảnh mà truyền thông Triều Tiên nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp thị sát một quả bom nhiệt hạch trước vụ thử vào ngày 3/9. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, dựa vào những hình ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố, nhiều chuyên gia cho rằng, đó có thể là vũ khí nhiệt hạch hai giai đoạn. "Cường độ động đất cho thấy vụ nổ lớn hơn so với lần thử thứ năm của Triều Tiên, điều này cho thấy trong thiết bị nổ có chất nhiệt hạch", David Albright, chuyên gia tại Viện Khoa học và An ninh quốc tế Washington, nhận định.

Minh Phương

Theo Sputnik, Guardian