1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến đấu cơ Nga “áp sát nguy hiểm” máy bay trinh sát Mỹ ở biển Baltic

(Dân trí) - Căng thẳng đối đầu giữa Nga và Mỹ ở vùng biển Baltic có xu hướng leo thang khi Mỹ tiếp tục tố cáo một chiến đấu cơ của Nga đã “áp sát nguy hiểm” máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ ở đây hôm 14/4. Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau vụ máy bay Su-24 lượn sát tàu khu trục Mỹ ở khu vực này.


(Ảnh minh họa: Washington Free Beacon)

(Ảnh minh họa: Washington Free Beacon)

Trang tin Washington Free Beacon ngày 16/4 dẫn lời Đại tá Hải quân Danny Hernandez, tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, cho biết: “Hôm 14/4, khi một máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ đang bay ở không phận quốc tế phía trên biển Baltic thì bị một chiến đấu cơ Su-27 của Nga chặn với động thái thiếu chuyên nghiệp và không an toàn”.

Ông nhấn mạnh thêm, trong vụ việc hôm 14/4, máy bay của Mỹ hoạt động hoàn toàn trong không phận quốc tế và không hề xâm phạm không phận Nga. Theo lời ông Hernandez, chiếc Su-27 đã tiến hành các động thái “khiêu khích” bằng việc tiếp cận RC-135 với tốc độ cao. “Chi tiết hơn, Su-27 bay chỉ cách cánh của RC-135 khoảng 15m, lượn từ sườn trái lên phía trên RC-135 rồi sang sườn phải”, ông Hernandez nói.

Quan chức này nói thêm, vụ việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi các máy bay chiến đấu Su-24 của Nga lượn sát hàng chục lần phía trên tàu khu trục Donald Cook của Mỹ cũng ở vùng biển Baltic. “Chúng tôi thực sự quan ngại về hành động này”, ông Hernandez nói.

Trước đó, hôm 11-12/4, hai chiến đấu cơ Su-24 và trực thăng Ka-27 của Nga đã áp sát hàng chục lần tàu khu trục Mỹ Donald Cook đang hoạt động ở vùng biển Baltic, trong đó có những lần tiếp cận ở cự ly chỉ 9m. Mỹ đã chỉ trích hành động này là “khiêu khích” và là “tấn công mô phỏng”, và khẳng định có quyền bắn hạ theo quy tắc giao chiến. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ các cáo buộc này và lý giải hoạt động áp sát trên là bởi Nga phát hiện tàu Mỹ hoạt động quá gần một căn cứ quân sự Nga ở Baltic.

Mark Schneider, một cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc về vấn đề Nga, cho rằng, những sự việc gần đây ở vùng biển Baltic, trong đó có việc tấn công mô phỏng tàu chiến Mỹ về cơ bản khác với các họat động “khiêu khích” trước đây của Nga. Chuyên gia này cũng cho rằng, Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ phản ứng với các hành động này của Nga một cách yếu ớt. Thực tế, sau vụ việc đối đầu được cho là "nguy hiểm nhất nhiều năm qua", phía Mỹ chỉ đưa ra những chỉ trích với Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên máy bay trinh sát RC-135 bị phía Nga chặn ở biển Baltic. Hôm 25/1, cũng một chiếc Su-27 đã tiếp cận chiếc RC-135 của Mỹ ở cự ly chưa đầy 10m, tuy nhiên, khi đó, máy bay Nga không có hành động lượn vòng từ sườn này sang bên sườn kia của máy bay Mỹ, thay vào đó là chuyển hướng đột ngột “cắt mũi” chiếc RC-135.

Minh Phương

Tổng hợp