1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Can dự Biển Đông và thế "tiến thoái lưỡng nan" của Ấn Độ

Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông tiếp tục gia tăng, nhiều người cho rằng Mỹ và Ấn Độ sẽ hợp tác để kiềm chế hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển này.

Tàu  USS Fort Worth (Mỹ) trong một  hoạt động ở Biển Đông. (Nguồn: AP)
Tàu USS Fort Worth (Mỹ) trong một hoạt động ở Biển Đông. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, chuyên gia Abhijit Singh thuộc Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ đưa ra một số lập luận để khẳng định khả năng hợp tác giữa Washington và New Delhi trên biển trong tương lai gần là khó.

Quan tâm, lo lắng

Bắc Kinh đang hành động với một lập trường cứng rắn ở Biển Đông khiến không chỉ Washington mà New Delhi cũng lo lắng. Đối với New Delhi, nước này thực sự quan tâm tới an ninh và dòng chảy thương mại cũng như lợi ích năng lượng ở Biển Đông.

Hơn nữa sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các khu vực hàng hải quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Nỗ lực này được thể hiện thông qua việc Bắc Kinh lắp đặt radar ở một số đảo ở Trường Sa và triển khai các tên lửa tới đảo Phú Lâm. Rõ ràng, Bắc Kinh có khả năng thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Do đó, Ấn Độ phải tính đến khả năng Trung Quốc có các hoạt động hàng hải quyết đoán ở các khu vực khác, nơi Bắc Kinh có thể có lợi ích chiến lược, bao gồm ở Ấn Độ Dương.

Hiện nay, mặc dù triển khai quân sự trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, nhưng “công cụ” thực tế được Trung Quốc sử dụng để thực hiện mục tiêu này là lực lượng bán quân sự. Theo Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, Phó Đô đốc Joseph Aucoin, “công cụ” này của Bắc Kinh đã gây khó khăn cho những nỗ lực của Washington nhằm tránh bạo lực xảy ra trong khu vực tranh chấp.

Sự hiện diện của các tàu phi quân sự Trung Quốc, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển và các đội tàu cá đã gây nguy hiểm cho các hoạt động hải quân trong khu vực, bởi vì các tàu này không bị chi phối bởi Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES).

Thêm vào đó, hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn độc lập với các nỗ lực đa phương của các nước nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh đang hướng tới xây dựng hình ảnh của một người chơi quyền lực, thống trị khu vực Thái Bình Dương. Thời điểm Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm diễn ra song song với cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands (Mỹ).

Tiến thoái lưỡng nan

Những tiến triển của tình hình Biển Đông gần đây nhấn mạnh sự cần thiết của Ấn Độ trong việc cân bằng giữa nhu cầu an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và lập trường pháp lý về quyền tự do mà các quốc gia được hưởng trong vùng lãnh hải của mình.

New Delhi đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Mặc dù phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông song Ấn Độ cũng không đồng ý với cách giải thích của Mỹ về luật hàng hải và các quyền tự do của tàu chiến nước ngoài tại các khu vực ven biển.

Đặc biệt, Ấn Độ không đồng tình với những nỗ lực của Mỹ khi tuyên bố về “quyền đi qua không bị gián đoạn” và không cần sự cho phép trước đó của quốc gia chủ thể, đặc biệt là ở các khu vực được coi là vùng lãnh hải của một quốc gia. Quan điểm này của New Delhi tương đối phù hợp với Bắc Kinh, cả hai nước đều cho rằng việc tàu chiến nước ngoài phải thông báo trước khi vào lãnh hải hoặc tuyên bố đi qua vô hại trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển.

Theo quan điểm của New Delhi, sự "đột nhập" không báo trước qua vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế theo học thuyết “đi qua vô hại” hoặc “tự do hàng hải” chắc chắn là thách thức đối với nhiều quốc gia. Mặc dù Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép sự quyền qua lại liên tục và nhanh chóng, cần thiết cho nhu cầu hàng hải trên biển nhưng New Delhi không đồng tình với việc tiến hành các hoạt động hàng hải nhằm đạt mục đích chính trị.

Nếu Ấn Độ ủng hộ Mỹ về khía cạnh này, Trung Quốc cũng sẽ lấy lý do tương tự để biện minh cho các hoạt động hàng hải lớn hơn của nước này gần quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ Dương. Do vậy, có lẽ sẽ rất khó để Mỹ và Ấn Độ tiến hành tuần tra chung bất cứ lúc nào ở Biển Đông trong tương lai gần, ngay cả khi gần đây New Delhi ủng hộ quan điểm của Washington trong các tranh chấp lãnh thổ.

Theo Hằng Phạm