1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bảy nước cờ khống chế Địa Trung Hải của Nga

“Putin đã kiểm soát thế giới từ Crimea đến Marocco” là tiếng kêu hoảng hốt, thất thanh của Mỹ-phương Tây.

Địa Trung Hải là ở trung tâm của một trò chơi địa chiến lược rất lớn và nhiều mặt xung quanh Syria. Địa Trung Hải như là một tâm điểm của cuộc khủng hoảng, là mắt của một cơn bão trong cuộc chiến địa chính trị Nga với Mỹ-NATO-phương Tây.

Chỉ với 7 nước cờ, Nga đã khiến châu Âu mất hết vị thế địa chính trị giành được sau chiến tranh lạnh, thế giới Anh-Mỹ cai trị rung chuyển.

Cái hay, thú vị của những nước cờ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin thi triển ở chỗ, khi giới tinh hoa Mỹ, châu Âu lần theo được dấu vết thì đã muộn. Tình thế là không thể đảo ngược.

Hải quân Nga đã tích cực khai thác không gian chiến lược của Đông và Tây Địa Trung Hải. Sau khi xây dựng nên sự hiện diện của các tàu chiến của Nga tại cảng Tartus, Nga đã thông qua các hoạt động trong vùng lân cận gần bờ biển của Pháp và Italy.

“Putin đã kiểm soát thế giới từ Crimea đến Marocco” là tiếng kêu hoảng hốt, thất thanh của Mỹ-phương Tây như báo chí phương Tây đánh giá.

Sau đây chúng ta lần lượt quan sát và nhận biết những nước đi trong chiến lược Địa Trung Hải của người Nga.

Crimea-Sevastopol, nền móng của chiến lược Địa Trung Hải

Tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga
Tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga

Mỹ-phương Tây đã đánh giá thấp, sai ý đồ chiến lược lớn trong đầu của Putin nên coi thường và đơn giản hóa những gì Nga đang hiện diện tại Crimea-Sevastopol.

Có lẽ, trong ý đồ của Putin được nung nấu, chuẩn bị đầy đủ mọi tình huống để sáp nhập Crimea rất kỹ càng, rất lâu thì châu Âu quá cẩu thả trong kế hoạch hậu Maidan, và khi Nga chính thức sáp nhập Crimea thì châu Âu cũng chỉ quan tâm đến ý thức hệ mà không hiểu hết ý nghĩa chiến lược lâu dài của thời khắc lịch sử này.

Nước đi đầu, xuất phát đã thành công, Nga có Crimea là có Biển Đen, toàn bộ hoạt động của ai trên Biển Đen đều trong tầm tay, nắm đấm của Nga. Mọi hoạt động của Hải quân Nga trên Địa Trung Hải, Đại Tây Dương sau lưng NATO đều xuất phát từ đây.

Rõ ràng là ý nghĩa về lãnh thổ, Crimea về với Nga xem ra là quá nhỏ và chẳng là gì so với ý đồ chiến lược Địa Trung Hải của Nga. Tuyên bố của Putin lúc đó rằng, “thế giới đơn cực đã chính thức chấm dứt” chắc chẳng mấy ai quan tâm, chú ý. Chỉ sau này, trong một cuộc phỏng vấn với Politico, Donald Trump nói rằng “lấy lại Crimea từ Nga sẽ kích hoạt thế chiến III” là hoàn toàn chính xác… thì đã muộn.

Lúc đó, Crimea chỉ là nguồn cơn để Mỹ-phương Tây... tập trung nguồn lực cấm vận, trừng phạt và tiếp sức cho Kiev khiêu khích, làm chảy máu Nga hòng đánh sập Nga bằng “phương án tác chiến” đó nếu như không nhả ra Crimea.

Với lợi thế sân nhà, với sự hỗ trợ của Nga, quân dân vùng Donbass đã tung 3 đòn tại Ilovaisk, sân bay Donessk và Debaltsevo khiến quân đội Kiev quỵ hẳn, không gượng nổi buộc Kiev phải ký Minsk-2, “đóng băng” cuộc khủng hoảng Ukraine.

Khi nước cờ đầu đã thành công, Nga chịu trận đòn cấm vận, trừng phạt của Mỹ-phương Tây, nhưng lặng lẽ thi triển nước đi thứ 2 tại Syria…

Syria-tâm điểm của chiến lược Địa Trung Hải

Tàu tuần dương hạng nặng mang tên lửa hạt nhân Pyotr Veliky của Nga tại Tartus-Địa Trung Hải
Tàu tuần dương hạng nặng mang tên lửa hạt nhân Pyotr Veliky của Nga tại Tartus-Địa Trung Hải

Nếu làm chủ, khống chế được Địa Trung Hải thì phải bắt đầu từ chi phối khủng hoảng tại Syria, đồng thời qua đó, đối phó được với cuộc khủng hoảng tại biên giới của Nga với Ukraine, Donbass và vùng Baltic.

Chính vì thế, Syria trong chiến lược Nga là rất quan trọng và cuộc khủng hoảng tại Syria liên quan rất lớn đến bối cảnh địa chiến lược Trung Đông và châu Âu.

Sai lầm của Mỹ-phương Tây có thể hiểu được khi Nga sáp nhập Crimea, bởi lẽ, khi đó Địa Trung Hải đang trong tầm kiểm soát của họ. Đặc biệt Syria ở phía Đông Địa Trung Hải, chính quyền Assad thân Nga, có cảng biển Tartus mà Nga hiện diện không đáng kể, đang bị Mỹ-phương Tây lật đổ trong một thời gian được tính bằng ngày.

Từ năm 2011, Mỹ-phương Tây đã bắt đầu triển khai chiến lược lật đổ Assad và họ đã định kết thúc năm 2013 bằng chiến dịch quân sự của Mỹ-NATO triển khai tấn công vào Syria thì Nga đã ra tay ngăn chặn thành công, qua đó "câu giờ" giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lý do Mỹ-NATO tấn công vào Syria là vì “Syria sử dụng vũ khí hóa học” và khi Nga đưa sáng kiến giải giáp và hủy bỏ vũ khí hóa học của Assad thì Mỹ-NATO chấp thuận kế hoạch này dù rằng họ đã triển khai đầy đủ mọi vũ khí trang bị nhằm vào lãnh thổ Syria, chỉ cần ấn nút.

Trong khi chỉ bằng cái “lọ bột màu trắng” Mỹ-NATO đã tấn công hủy diệt Iraq, thì dư luận thế giới sẽ nhầm to khi đánh giá cao thiện chí của Mỹ-NATO đã chấp nhận sáng kiến của Nga giải quyết vần đề vũ khí hóa học Syria bằng biện pháp hòa bình. Không đơn giản như vậy!

Đêm trước của cuộc tấn công Syria vào ngày 3/9/2013, tên lửa của Mỹ-NATO phóng đi từ các căn cứ quân sự NATO tại Italy (theo Pradva 27/9) để thăm dò hệ thống radar phòng thủ tại Syria, bị các tàu khu trục Nga tại Địa Trung Hải bắn hạ. Nga đã chứng minh sức mạnh quân sự của mình.

Đây là sự cảnh báo cứng rắn nhất của Nga đến Mỹ-NATO, rằng Nga sẵn sàng đối đầu với NATO và kiên quyết không thể để NATO lặp lại Lybia tại Syria. Và, đây mới là lý do quyết định làm cho Mỹ-NATO trở nên “thiện chí” để ngừng tấn công Syria, chấp nhận biện pháp giải giáp VKHH Syria.

Tránh Nga “chẳng xấu mặt nào” vì Mỹ-phương Tây có cơ sở và thừa khả năng buộc “Assad must go” bởi một đám lực lượng gọi là đối lập cùng với khủng bố IS, Al-Qeada dưới sự chỉ huy của Mỹ-phương Tây đã khiến chính quyền Assad không tồn tại. Thực tế là đúng, buộc Assad yêu cầu Nga giúp đỡ trực tiếp bằng quân sự.

Sau thời gian “đóng băng” Ukraine, ngày 30/9/2015, Nga trực tiếp can thiệp vào Syria.

Đến nay, tình hình chiến sự, kết quả… đã rõ, nhưng điều khiến ta quan tâm là Nga sở hữu căn cứ Hải quân Tartus tại Syria 49 năm, tự động gia hạn thêm 25 năm và được quyền xây dựng phát triển căn cứ cho phép 11 tàu chiến hiện đại cập cảng cùng lúc, trừ tàu sân bay.

Điều này có nghĩa là chỉ cần không quá 3 năm sau, một hạm đội mang tên Hạm đội Đại Tây Dương của Nga sẽ có mặt tại căn cứ Hải-Không quân Tartus-Hmeymim, một sức mạnh trụ cột của Nga tại Trung Đông hướng tới Đại Tây Dương.

Vậy là bờ Đông Địa Trung Hải đã thuộc quản lý của Nga. Bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ dưới áp lực của Mỹ-NATO phong tỏa eo biển Bosphorus hay Dardanelles đi chăng nữa thì Nga không ngại lắm bởi đã có căn cứ Tartus bọc lót rất hiệu quả.

Tuy nhiên, còn hay hơn nữa khi Nga được tự do đi lại qua 2 eo biển này bởi nước đi thứ 3: Thổ Nhĩ Kỳ.

(Còn tiếp)

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt