1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

59 quả tên lửa của ông Trump đẩy "hồ sơ" Syria vào thế không lối thoát

Cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Syria ngày 7/4 đã dập tắt những tia hy vọng vừa lóe lên trong tiến trình hòa bình sau 7 năm xung đột.

Cái cớ muôn thuở

Lý do mà chính quyền Trump đưa ra để thực hiện cuộc tấn công là nhằm đáp trả việc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad "dùng vũ khí hóa học" sát hại 100 thường dân trong một cuộc oanh kích cách đó một tuần.

59 quả tên lửa của ông Trump đẩy "hồ sơ" Syria vào thế không lối thoát - 1

Căn cứ không quân của Syria ở Homs sau khi bị tên lửa Tomahawk của Mỹ oanh kích. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Syria đã cực lực phản đối và khẳng định thứ khí độc ấy nằm trong kho vũ khí hóa học của phiến quân thoát ra sau một vụ không kích của quân Chính phủ.

Cái cớ "vũ khí hóa học" một lần nữa lại được Mỹ đưa ra để thực hiện các toan tính của mình tại Trung Đông. Năm 2003, Mỹ đã dựa vào cái cớ là Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công quốc gia này.

Năm 2013, cũng vẫn cái cớ chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al Assad dùng "vũ khí hóa học" đàn áp lực lượng đối lập, Mỹ đã đe dọa áp dụng biện pháp quân sự với nước này.

Khi đó, Nga đã đưa ra sáng kiến tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát quốc tế, tháo ngòi chiến dịch quân sự đó vào phút chót.

Sáng kiến đó của Nga được coi là một giải pháp khôn khéo, bởi đã giúp cho Chính phủ Syria tránh được một cuộc tấn công trực diện của Mỹ để có thể đi tới sụp đổ, đồng thời giải tỏa sức ép cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đang ở thế bị kẹt giữa một bên là việc khẳng định "cái uy" của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh một bên là việc muốn tránh sa lầy trong một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp mới vào Trung Đông. Theo thỏa thuận này, vũ khí hóa học của Chính phủ Syria đã bị tiêu hủy hết.

Nhưng giờ đây, với việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, cách thức xử lý vấn đề đang thay đổi.

Thông điệp

Quyết định tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk được Tổng thống Donald Trump đưa ra chớp nhoáng, sau khi tham khảo nhanh các lãnh đạo quân sự chủ chốt, vào thời điểm các cuộc đàm phán ngoại giao để đi tới chấm dứt cuộc chiến dường như đang tiến triển.

Xét về toàn cục, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang ở thế thượng phong so với cách đây một năm nhờ sự hỗ trợ của Nga. Quân Chính phủ Syria đã giành lại toàn bộ thành phố chiến lược Aleppo từ tay phiến quân, tạo đà giải phóng các khu vực rộng lớn khác ở miền Đông, sâu trong nội địa.

Mỹ và phương Tây không thích thú gì với điều này, bởi với tình hình thực tế, chính quyền Bashar al-Assad vẫn là nhân vật chính trên bàn cờ chính trị Syria, đồng nghĩa với việc Nga tiếp tục duy trì và củng cố vị trí tại đây.

Syria của Tổng thống Bashar al-Assad vốn thân Nga và là cơ sở cuối cùng của Nga ở Trung Đông sau khi Liên Xô tan vỡ. Hải cảng Latakia là nơi các tàu chiến Nga có thể tới neo đậu và triển khai ở Đông Địa Trung Hải. Từ các sân bay quân sự thành phố Tartus, không quân Nga có thể vươn tầm hoạt động ra toàn khu vực Trung Đông.

Với quyết định của Donald Trump, lần đầu tiên Mỹ tấn công trực diện quân Chính phủ Syria. Đây là sự thể hiện thái độ cứng rắn, nhằm lấy lại uy thế của Mỹ tại khu vực. Qua đây, Mỹ cảnh báo có thể áp dụng những biện pháp quân sự tiếp theo để xóa bỏ chính quyền Bashar al-Assad.

Đây cũng là cú đánh vỗ mặt, răn đe sự khuếch trương thanh thế của Nga tại khu vực.

Nếu so với những tuyên bố đầy cảm tình với Putin, đầy thiện chí với nước Nga trước đó không lâu về khả năng hợp tác trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Syria, thì đây một sự thay đổi đột ngột của Tổng thống Donald Trump.

Quyết định của ông Trump nhằm lấy lại lòng tin của các đồng minh truyền thống, và ngay lập tức được Anh, Pháp, Saudi Arabia, Israel... ủng hộ.

Quyết định được đưa ra vào đúng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Mỹ và vấn đề tên lửa Triều Tiên đang nổi lên ở Đông Bắc Á. Phải chăng, Tổng thống Donald Trump cũng muốn gián tiếp cảnh báo không loại trừ việc trừng phạt quân sự đồng minh thân cận của Trung Quốc?

Can thiệp trực tiếp nhằm lật đổ chính quyền Bashar al-Assad, phải chăng ông Trump muốn khắc phục “sai lầm” của người tiền nhiệm Barack Obama cách đây hơn 4 năm?

Có lẽ ông chưa lường hết được những trở ngại khi theo đuổi tham vọng này và vẫn muốn đi theo “vết xe đổ” của “triều đại” Bush.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, những mâu thuẫn khó dung hòa khiến Syria tiếp tục xoay trong chiếc vòng luẩn quẩn không lối thoát./.

Theo Thái Dương/VOV-Paris