Những công cụ chuyên dụng giúp kiểm tra phần cứng trên smartphone

(Dân trí) - Những ứng dụng miễn phí dưới đây sẽ giúp bạn kiểm tra hoạt động của các thành phần phần cứng trên smartphone chạy iOS và Android, để đảm bảo các thành phần đều đang hoạt động ổn định và không có sự cố gì. Những công cụ này rất hữu dụng để kiểm tra khi mua lại smartphone cũ.

Phone Doctor Plus (dành cho Android lẫn iOS)

Những công cụ chuyên dụng giúp kiểm tra phần cứng trên smartphone - 1

Phone Doctor Plus là ứng dụng (dành cho cả Android lẫn iOS) hoạt động như một “bác sĩ đa năng” cho smartphone, cho phép người dùng thực hiện các bài kiểm tra để đánh giá tình trạng cụ thể của từng phần cứng trên thiết bị, như màn hình, camera, loa, các nút bấm, các cảm biến... từ đó giúp xác định được bộ phận nào hoạt động kém ổn định và cần phải sửa chữa, thay thế...

Ứng dụng này đặc biệt hữu ích trong trường hợp mua lại smartphone cũ, người dùng có thể sử dụng để xác định chức năng hoạt động của các thành phần phần cứng trên thiết bị cần mua để đánh giá xem sản phẩm có phù hợp với mức giá tiền hay không.

Download phiên bản dành cho Android tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 4.0 trở lên). Download phiên bản dành cho iOS tại đây (tương thích iOS 8.0 trở lên).

Lưu ý: phiên bản Android được cung cấp miễn phí, trong khi đó phiên bản dành cho iOS có giá bản quyền 0,99USD.

AnTuTu Tester (chỉ dành cho Android)

Những công cụ chuyên dụng giúp kiểm tra phần cứng trên smartphone - 2

AnTuTu là cái tên quen thuộc với ứng dụng chấm điểm (benchmark) hệ thống rất phổ biến trên smartphone, tuy nhiên bên cạnh ứng dụng này, AnTuTu còn cung cấp cho người dùng ứng dụng AnTuTu Tester cho phép kiểm tra phần cứng trên thiết bị di động.

Không cung cấp nhiều công cụ để kiểm tra từng thành phần phần cứng như Phone Doctor Plus, AnTuTu Tester chỉ cung cấp các công cụ để kiểm tra khả năng đa điểm trên màn hình, tìm điểm chết khi hiển thị... tuy nhiên trong đó tính năng hữu ích nhất của AnTuTu Tester đó là cho phép kiểm tra mức độ pin trên sản phẩm để xác định xem pin trên thiết bị đã bị chai hay chưa. Đây là một tính năng rất hữu ích trong trường hợp mua lại smartphone cũ và người dùng cần xác định xem tình trạng của pin trên thiết bị.

Một điều cần lưu ý, để sử dụng chức năng kiểm tra pin này đòi hỏi phải sạc đầy pin và phải mất khá nhiều thời gian (thông thường lên đến 5 tiếng) để các thuật toán trên ứng dụng kiểm tra mức xả pin, từ đó xác định được tình trạng của pin.

Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 2.3 trở lên).

Sensor Box (chỉ dành cho Android)

Những công cụ chuyên dụng giúp kiểm tra phần cứng trên smartphone - 3

Trong trường hợp bạn chỉ cần kiểm tra các cảm biến hiện có trên smartphone thì có thể nhờ đến ứng dụng với tên gọi Sensor Box. Thay vì trang bị các tính năng kiểm tra đầy đủ các thành phần phần cứng như những ứng dụng kể trên, Sensor Box chỉ tập trung vào việc kiểm tra cảm biến trang bị trên thiết bị di động.

Bên cạnh việc phát hiện và kiểm tra các cảm biến trên thiết bị, Sensor Box còn giải thích về cách thức hoạt động của các cảm biến này, bao gồm cảm biến ánh sánh, con quay hồi chuyển, la bàn, cảm biến tiệm cận, cảm biến gia tốc, cảm biến từ trường, cảm biến áp lực và cảm biến âm thanh. Một điều cần lưu ý là không phải smartphone nào cũng được trang bị đầy đủ những cảm biến này (thường chỉ smartphone cao cấp mới có đầy đủ), do vậy Sensor Box chỉ xác định và kiểm tra những cảm biến nào được trang bị.

Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 2.3 trở lên).

Phạm Thế Quang Huy