Báo Mỹ nói về tham vọng trở thành Apple tiếp theo của BKAV

(Dân trí) - Trong chuyến đi đến Việt Nam, phóng viên Shara Tibken đã có chuyến ghé thăm đến trụ sở và nhà máy sản xuất Bphone của BKAV. Phóng viên này cũng đã có những nhận định trở thành “Apple mới” của BKAV với mẫu smartphone “hàng đầu thế giới” Bphone.

Phóng viên Dân trí xin lược dịch bài viết của Shara Tibken trên trang công nghệ Cnet.

Đèn trong phòng họp chập chờn một vài lần trước khi tắt hoàn toàn. Tiếng rền của máy điều hòa nhiệt độ trở nên yên tĩnh, và căn phòng trở nên không giống với một công ty công nghệ đang cố gắng đặt chân vào thị trường smartphone ồn ào.

Tôi đang ở trụ sở chính ở Hà Nội của BKAV, một công ty Việt Nam kiếm tiền bằng cách bán phần mềm bảo mật, tuy nhiên giờ đây muốn chiến một phần trong thị trường smartphone giá trị 2,2 tỷ USD tại đây.

Điện bên trong trụ sở chính, nằm gần tòa nhà cao nhất thành phố Keangnam Hanoi Lanmark Tower, nổ lách tách trong khi đang có bài thuyết trình về chiếc điện thoại đầu tiên của công ty. Họ nói với tôi rằng “điều này đôi khi vẫn xảy ra”.

Vào hồi tháng 5, một vài tuần trước khi tôi đến đây, BKAV đã ra mắt Bphone, được chào hàng như chiếc smartphone đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Thiết bị có kiểu dáng đẹp, với 6 phiên bản khác nhau và có giá khoảng 450USD đến 925USD, gợi nhớ đến chiếc iPhone 4, nhưng lớn hơn với màn hình rộng 5-inch so với kích cỡ 3,5-inch trên chiếc smartphone của Apple.

 

bphone-cnet-1-97b60

Nhiệm vụ của BKAV là một phần của cuộc cách mạng công nghệ diễn ra tại Việt Nam. Hầu hết sự đầu tư trong nước lại đến từ các công ty nước ngoài, tìm cách để sản xuất những sản phẩm của họ rẻ hơn. Đó là lý do tạo nên sự nổi bật của BKAV, một công ty bản địa với mục tiêu xây dựng một chiếc smartphone đắt tiền cho người dân trong nước. Theo một số phương diện, BKAV đang đi theo bước chân của Xiaomi, trong đó xây dựng sự tín nhiệm toàn cầu cho smartphone giá rẻ của mình bằng cách phục vụ đầu tiên cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên BKAV lại đang nhắm thẳng vào thị trường cao cấp.

Tạo ra những chiếc smartphone cao cấp “là giấc mơ của mọi tập đoàn công nghệ tạo trên thế giới”, theo lời Tạ Minh Hoàng, Giám đốc sản phẩm di động của BKAV, người chịu trách nhiệm phát triển Bphone. “Tạo ra smartphone cũng là giấc mơ của chúng tôi vì chúng tôi muốn trở thành tập đoàn công nghệ tốt nhất thế giới”.

Người Việt Nam không ngại bỏ tiền cho các sản phẩm điện tử. Trong năm ngoái, 24 triệu điện thoại di động được bán tại Việt Nam (trên tổng dân số 94 triệu người), theo kết quả thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics. Thị trường smartphone được dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ tại thị trường này trong những năm tới.

Nghe thật tuyệt cho BKAV phải không? Vấn đề là người Việt Nam không hào hứng với một chiếc smartphone “sản xuất tại Việt Nam”. Họ đang hài lòng với iPhone của Apple hay Galaxy của Samsung. Với những công nhân có mức lương ít hơn 150USD mỗi tháng, Bphone là quá đắt với nhiều người. Bản chất khoe khoang của CEO BKAV, người gọi Bphone là smartphone tốt nhất thế giới, cũng đi ngược lại với bản chất khiêm nhường điển hình của người Việt Nam và khiến nhiều người quay lưng với Bphone. Những người khác hoài nghi về việc BKAV thực sự thiết kế và sản xuất Bphone tại Việt Nam.

Thiết kế tại Việt Nam

Nhưng thực sự có một nhà máy, nơi tôi đang đứng cạnh. Một phức hợp công nghiệp được phủ bằng kim loại màu xanh lá cây, chỉ cách 10 phút lái xe từ trụ sở của BKAV. Đây là một trong hai cơ sở được BKAV sử dụng để sản xuất Bphone.

Khi tôi ghé thăm nhà máy lắp ráp Bphone, khoảng 30 người trong những bộ đồng phục trắng và xanh đang làm việc tại đó. Đây là sự kết hợp giữa trang phục của ngành y với ngành cơ khí. Mọi người đều mang găng tay vải trắng, khẩu trang phẫu thuật và mũ vải màu xanh với vành để giữ cho tóc không rơi vào các bộ phận của smartphone.

 

Các công nhân ngồi trên những chiếc ghế xoay văn phòng trước dây chuyền lắp ráp màu xanh lá cây, giống với bàn chơi bóng bàn. Mỗi người chịu một nhiệm vụ của quá trình lắp ráp, bao gồm loại sạch bụi ra khỏi các thành phần điện tử, gắn các linh kiện vào vỏ sản phẩm... Thông thường có khoảng 100 công nhân làm việc trong nhà máy, nhưng khi tôi đến đang là giờ ăn trưa.

Khoảng 50 người khác làm việc tại nhà máy cơ khí của BKAV ở gần đó, tạo ra các bộ phận của Bphone như lớp vỏ kim loại, khe chứa thẻ SIM và hộp loa. Họ cũng tạo nên các nguyên mẫu thiết bị và mô hình các thành phần khác trước khi thuê các đối tác sản xuất chúng.

BKAV có kế hoạch mở một nhà máy lớn hơn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở ngoại thành Hà Nội, khoảng 30km từ nhà máy hiện tại của mình, “khi chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực của thị trường”, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch và Giám đốc phần cứng của BKAV cho biết.

BKAV đã chi ra khoảng 20 triệu USD, sử dụng 200 kỹ sư và mất 4 năm để phát triển chiếc smartphone đầu tiên của mình. BKAV thiết kế mọi thứ, từ board mạch chủ, bao gồm bộ vi xử lý cao cấp - nhưng lỗi thời của Qualcomm, đến thiết kế bên ngoài và phần mềm sử dụng trên sản phẩm, xây dựng dựa trên nền tảng Android. Hệ điều hành của Bphone (BOS - Bphone Operating System), được đóng gói kèm theo nhiều ứng dụng do BKAV thiết kế, bao gồm trình duyệt Bchrome, ứng dung gọi điện trên Internet Btalk. Một tính năng quan trọng khác của BOS: phần mềm diệt virus.

BKAV sử dụng nhãn hiệu “sản xuất tại Việt Nam” làm một trong những điểm nhấn để tạo tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

“Chúng tôi muốn cho thấy rằng Việt Nam có thể làm được những sản phẩm cao cấp như Mỹ hay Nhật Bản hay Hàn Quốc”, Bạch Thành Lê, Phó chủ tịch và Giám đốc thông tin của BKAV cho biết.

 

bphone-cnet-3-e5182

Tuy nhiên BKAV lại sử dụng những thành phần từ các công ty nước ngoài khiến nhiều người thất vọng. Trước khi thiết bị được tung ra thị trường, nhiều câu hỏi được đưa ra liệu Bphone có thực sự được sản xuất và thiết kế tại Việt Nam hay chiếc smartphone thực sự là một thiết bị của Trung Quốc. Nhiều nhà cung cấp khác của Việt Nam, như MobiiStar, đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất Trung Quốc để thiết kế và sản xuất smartphone mà họ đặt thương hiệu cho riêng mình. Và có một cuộc tranh luận về việc một công cy có thể thừa nhận chiếc điện thoại là “sản xuất tại Việt Nam” nếu sử dụng thành phần từ những nơi khác nhau, như bộ vi xử lý của Qualcomm.

“Tại sao nhiều người nghĩ rằng Bphone không thực sự là một chiếc điện thoại của Việt Nam?”, CEO BKAV - Nguyễn Tử Quảng, cho biết thông qua email. “Vì rất khó để tin rằng Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất một chiếc smartphone hàng đầu thế giới”.

“Quảng nổ”

CEO 40 tuổi của BKAV không phải là người mà bạn có thể gọi là khiêm tốn. Ông đã xây dựng phiên bản phần mềm diệt virus BKAV đầu tiên khi còn là sinh viên năm 3 đại học từ năm 1995 và thành lập công ty của mình để thương mại hóa phần mềm một thập kỷ sau đó. Ngày nay, BKAV là một trong những công ty phần mềm bảo mật lớn nhất Việt Nam, với một chi nhánh ở Moutain View, California, “trái tim” của thung lũng Silicon.

Quảng được biết đến là một người nghiện làm việc, và ông cũng được biết đến với biệt danh của mình - "Quảng nổ” và “Quảng quăng bom”, do bản chất khoe khoang của mình.

Khi Quảng hé lộ về chiếc Bphone lần đầu tiên vào tháng 1 tại Triển lãm công nghệ CES diễn ra ở Las Vegas và sau đó khi giới thiệu sản phẩm vào hồi tháng 5, Quảng đã gọi sản phẩm là “không thể tin được” và “kiệt tác”. Ông gọi nó là chiếc smartphone tốt nhất thế giới.

“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khi cầm nó trong tay bạn sẽ có suy nghĩ như tôi: một trong những chiếc smartphone đẹp nhất thế giới”, Quảng nói tại sự kiện vào tháng 5.

Quảng đã bác bỏ những lời chỉ trích, cho rằng nói về sản phẩm của công ty là công việc của một CEO, ngay cả khi đó là điều không phổ biến tại Việt Nam.

Đối với một số người, sự cường điệu đó đã có hiệu quả. Nguyễn Việt Phú, một người dân Hà Nội 41 tuổi, đang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam, đã mua một chiếc Bphone 64GB màu vàng sâm-panh ngay khi sản phẩm được bán. Ông muốn xem một chiếc smartphone của Việt Nam sẽ như thế nào, sau khi bị mất chiếc iPhone 5S của mình.

“Bphone thực sự là một chiếc điện thoại thiết kế đẹp”, Phú chia sẻ qua email. “Tôi rất hài lòng với thiết bị này”.

Với những người khác, phong cách ồn ào của Quảng và BKAV đã phản tác dụng. Có rất nhiều người ở Việt Nam thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của Bphone. Một cặp đôi đang tìm mua smartphone tại một cửa hàng điện tử lớn ở khu phố Pháp sang trọng ở Hà Nội cho biết họ chưa bao giờ nghe đến Bphone.

“Chứng cuồng” Apple, Samsung

Sự non trẻ của BKAV trên thị trường smartphone là một vấn đề quan trọng. Ngay cả những “đại gia” trong quá khứ như Sony hay Nokia vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm hơn.

Tuy nhiên, Apple và Samsung mới là những thương hiệu thường được nghĩ đến đầu tiên khi người mua bước chân qua cửa của các cửa hàng điện tử. Gần như mọi dãy nhà ở Hà Nội đều có một cửa hàng bán iPhone hoặc sử dụng logo của Apple để thu hút khách hàng. Logo của Apple còn xuất hiện trên tất cả mọi thứ, từ mũ bảo hiểm xe máy hay áo pull... điều này là rất phổ biến, mặc dù Apple không có một cửa hàng chính thức tại Việt Nam

“Hiện tôi không có tiền, nhưng nếu có, tôi muốn mua một chiếc iPhone”, Đào Đạt, 20 tuổi, làm việc bán thời gian trong khi đang theo học tiếng Anh để trở thành trợ giảng, cho biết. Anh phải tiết kiệm tiền cả năm mới có thể mua một chiếc iPhone 6.

 

bphone-cnet-4-aff4e

Cũng rất phổ biến trong các cửa hàng thiết bị công nghệ đó là Samsung. Các bảng quảng cáo thương hiệu của công ty đến từ Hàn Quốc tràn ngập trên đường phố. Samsung đã đầu tư gần 9 tỷ USD trong 7 năm qua để xây dựng các nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Hơn một nửa số smartphone bán ra tại Việt Nam trong quý đầu tiên thuộc về Samsung và Apple, theo kết quả nghiên cứu của Strategy Analytics.

BKAV hầu như không hề phổ biến. Thách thức của công ty là phải thuyết phục người dân từ bỏ những thương hiệu yêu thích của họ để đến với một chiếc điện thoại “sản xuất tại Việt Nam” và chấp nhận bỏ ra hàng trăm USD cho nó. CEO của BKAV tuyên bố người mua Bphone sẽ có được một chiếc smartphone cao cấp với một nửa số tiền họ phải bỏ ra cho iPhone hay Galaxy S. Nhưng nếu bạn đã chấp nhận bỏ ra hàng trăm đô la, tại sao không lựa chọn một thương hiệu hào nhoáng?

“Mức giá quá cao”, một người dùng có tên Anh Tuấn chia sẻ. “Tôi là một người yêu nước và sẵn sàng ủng hộ những sản phẩm “Made in Việt Nam” miễn là giá trị nó phù hợp với mức giá. Đừng để tình yêu đất nước của bạn được sử dụng như một chiến lược tiếp thị”.

Việc bán sản phẩm một cách hạn chế có thể làm ảnh hưởng đến những triển vọng của Bphone. BKAV chỉ cung cấp các thiết bị của mình qua gian hàng trực tuyến và nó bán Bphone theo từng giai đoạn. Đợt bán hàng đầu tiên vào ngày 2/6 và đợt tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 8. Việt Nam là quốc gia mà phần lớn người dùng mua sản phẩm thông qua các cửa hàng thực, trong khi ở Trung Quốc, hãng điện thoại Xiaomi đã bán được hàng triệu thiết bị thông qua các chương trình bán hàng nhanh trên web.

Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)
Theo CNet