Việt Nam đối mặt với 2 dịch cúm chết người

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nước ta đang phải cùng lúc đối mặt với dịch cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1. Trong đó cúm A/H7N9 đang áp sát biên giới.

91% ca bệnh có tiếp xúc gia cầm

Chiều 20/2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp EOC đã có cuộc họp khẩn, do GS.TS TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì bàn biện pháp phòng chống trước nguy cơ chủng cúm chết người A/H7N9 áp sát Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp. Ảnh: H.Hải
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp. Ảnh: H.Hải

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Cúm A/H7N9 tiến sát biên giới Việt Nam. Đặc biệt tại Trung Quốc, loại cúm này đang có tốc độ gia tăng nhanh về ca mắc, xảy ra trên diện rộng. Đây là đợt dịch số 5 xảy ra tại Trung Quốc từ tháng 10/2016 đến nay với 425 ca mắc.

“Bệnh cũng xảy ra tại 2 tỉnh có biên giới dài với Việt Nam là Vân Nam, Quảng Tây. Đây là vấn đề rất đáng quang ngại trong bối cảnh giao lưu, đi lại giữa hai nước”, GS Long lo ngại.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đặt câu hỏi, tại sao tốc độ gia tăng của cúm A/H7N9 tại Trung Quốc gần đây tăng nhanh, dù mặt bệnh không có sự biến đổi? và yêu cầu Việt Nam phải có đáp ứng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn khi phải cùng lúc đối mặt với hai dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại Trung Quốc, 91% ca bệnh có tiếp xúc với gia cầm. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết tại Trung Quốc, 91% ca bệnh có tiếp xúc với gia cầm. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đây là loại cúm nguy hiểm với tỉ lệ tử vong trên 40%. Trong số 425 ca bệnh có đến 4 chùm ca bệnh, với 91% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Tuy nhiên đến nay chưa chứng minh được sự lây truyền dễ dàng và bền vững từ người sang người.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết, đặc tính của vi rút chưa có gì thay đổi, dù tốc độ bệnh ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh. Trong khi đó H7N9 không gây chết trên gia cầm, nên việc giám sát chủ động nhiễm vi rút trên người là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần tăng cường tập trung vào khu vực gia cầm được vận chuyển, lưu hành để tập trung việc giám sát được tốt hơn.

Có dấu hiệu cúm là lấy mẫu xét nghiệm

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2016, hệ thống giám sát cúm quốc gia đã giám sát 3.386 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, nhưng chỉ phát hiện cúm thường B, cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 chứ không phát hiện ca mắc cúm A/H5N1, A/H7N9 nào.

Tương tự, tại khu vực phía nam, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Paster TP Hồ Chí Minh cho biết, giám sát tại khu vực này trong những tháng đầu năm 2017 có 20 ca viêm phổi nặng với bệnh cảnh lâm sàng tương tự như cúm A/H7N9, nhưng kết quả xét nghiệm đều nhiễm cúm A/H1N1 thông thường.

Tuy nhiên với cúm A/H5N1 ở khu vực phía nam trong tháng 2/2017 xảy ra 3 ổ dịch trên gia cầm.

Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 có sự thay đổi về hình thái. Trước năm 2010 tập trung khu vực phía Bắc, 5 năm trở lại đây 9 trường hợp mắc trên người có 8 trường hợp khu vực phái Nam.

“Với cúm A/H7N9 lo lắng hơn cúm A/H5N1 bởi cúm A/H5N1 gây chết đàn gia cầm, là dấu hiệu để cảnh báo. Trong khi cúm A/H7N9 không gây ra bệnh cảnh lâm sàng, gia cầm sống rất khó phát hiện ra. Vì thế, việc tăng cường giám sát trên người là rất quan trọng”, PGS Lân nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, cần tăng cường giám sát các bệnh viện dọc biên giới Trung Quốc, Campuchia, mở rộng diện lấy mẫu giám sát cúm.

“Bệnh nhân chỉ cần có biểu hiện cúm thông thường là đưa vào lấy mẫu, đẩy độ nhạy, phát hiện kịp thời để có biện pháp khống chế. Chương trình giám sát phải mở hơn so với trước đây. Trong trường hợp cần thiết có thể lấy mẫu thí điểm cộng đồng, nhất là người buôn bán, tiếp xúc với gia cầm. Phải triển khai ngay sau cuộc họp ngày hôm nay”, GS Long chỉ đạo.

Đại diện Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại Việt Nam, từ tháng 6/2013 đến nay lấy trên 202 nghìn mẫu trên gia cầm ở100 chợ tại14 tỉnh,chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với H7N9.

Tuy nhiên với cúm cúm A/H5N1, trong 2 tháng đầu năm đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm AH5N1 tại các xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Riêng ổ dịch tại cúm gia cầm tại 3 hộ thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, hôm nay đã tiêu hủy 3.600 con gia cầm. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Bên cạnh đó, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm.

Hồng Hải