Khánh thành Trung tâm Ung bướu hiện đại nhất khu vực Đông Bắc
(Dân trí) - Sáng 28/3 tại Quảng Ninh, Bộ Y tế tổ chức khánh thành Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí với quy mô 300 giường bệnh, được trang bị những máy móc hiện đại nhất trong điều trị ung bướu.
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí có tổng mức đầu tư hơn 336 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Ung bướu đáp ứng khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư quy mô 300 giường nội trú, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, tuyên truyền và phòng bệnh, đào tạo cán bộ chỉ đạo tuyến chuyên ngành ung thư.
Tiến sỹ Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân được nâng cao, mô hình bệnh tật thay đổi các bệnh lý ung thư, tim mạch, nội tiết ngày càng xuất hiện nhiều. Theo số liệu thống kê toàn quốc, hằng năm số bệnh nhân ung thư mắc mới chiếm 0,16% dân số.
Tại Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí, hàng năm tiếp nhận từ 1.500 đến 2.000 trường hợp ung thư mắc mới. Trong khi đó Trung tâm Ung bướu của bệnh viện chỉ có 15 phòng bệnh với 70 giường. Để hạn chế tình trạng nằm ghép, nhiều khoa phòng khác của bệnh viện đã được huy động cho bệnh nhân ung thư nằm điều trị. Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tăng nhanh, đặc biệt là bệnh lý ung bướu, Bộ Y tế đã cho phép bệnh viện xây dựng Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí với quy mô 300 giường bệnh. Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí trở thành 1 trong 7 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có Trung tâm Ung bướu.
“Không chỉ về cơ sở vật chất khang trang, mà hệ thống máy móc được đầu tư hiện đại từ chẩn đoán đến điều trị, với số tiền lên đến 50 tỷ đồng. Đặc biệt là việc đầu tư một hệ thống gia tốc tuyến tính đa mức năng lượng (39 tỷ đồng), đây là hệ thống mới nhất đang có, với hệ thống này sẽ đảm bảo điều trị tốt nhất cho người bệnh. Thậm chí máy gia tốc các bệnh viện khu vực Hà Nội nếu nhiều người bệnh quá chúng tôi có thể hỗ trợ”, ông Tiệp nói.
Đặc biệt trong quá trình đầu tư hệ thống này bệnh viện đã phối hợp với các bệnh viện Trung ương như Trung tâm ung bướu BV Bạch Mai để đảm bảo tay nghề đội ngũ thầy thuốc. Trước đây bệnh viện chỉ có thể dùng phương pháp phẫu trị, hóa trị thì nay có thêm hệ thống máy hiện đại để xạ trị. Xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính đa năng lượng thế hệ mới này hiệu quả rất là cao.
Người bệnh được chẩn đoán, điều trị với những máy móc, phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất ngay tại địa phương, vừa giảm chi phí điều trị, lại giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Phát biểu tại lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ung bướu là một trong những chuyên ngành quá tải khá nặng nề nhất là tại các tuyến cuối ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, để tích cực giảm tải với 5 chuyên khoa trong đó có ung bướu rất khẩn cấp, cần thiết. Việc thành lập Trung tâm ung bướu khang trang, với trang thiết bị hiện đại nhất chúng tôi nghĩ giúp cho việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân khu vực này rất tốt, giúp quá tải tuyến trên. Đồng thời đây cũng là một trung tâm hiện đại, giúp cho chất lượng khám chữa bệnh ung bướu được tăng cường không chỉ cho người dân tỉnh Quảng Ninh mà là cả vùng Đông Bắc. Ngoài Trung tâm ung bướu, Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí cũng sẽ được tăng cường các trung tâm về tim mạch, chấn thương chỉnh hình.
“Việc tăng cường cho các bệnh viện tuyến tỉnh nằm trong mạng lưới bệnh viện vệ tinh được nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương và được trang thiết bị máy móc sẽ giúp nâng cao kỹ thuật, chất lượng điều trị ở tuyến tỉnh không kém gì tuyến trung ương qua đó giúp giảm tải tuyến Trung ương, giúp người dân chữa tại địa phương, không phải đi xa, chất lượng tốt, đỡ lây nhiễm bệnh viện ở những tuyến đã rất quá tải”, Bộ trưởng nói.
Được biết hiện nay Bộ Y tế đã thành lập 45 bệnh viện vệ tinh trên 38 tỉnh và sẽ phát triển, mở rộng thêm trong những năm tới. Những bệnh viện này có thể thực hiện các kỹ thuật chuyển giao tương tự ở các tuyến cuối ở Hà Nội, Hồ Chí Minh. “Cơ sở hạ tầng tốt hơn tuyến trung ương, trang bị máy móc không kém và thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tốt như các tuyến Trung ương chính là cơ sở để BV vệ tinh giúp giảm tải. Ví dụ như BV Thanh Hóa, Nhi Thanh Hóa nay đều đã có thể mổ tim, trước đó vài 3 năm thì không thể làm được. Hay BV Nghệ An, Hà Tĩnh nay còn to đẹp hơn bệnh viện Trung ương, thậm chí họ đang hướng tới ghép tạng. Nếu bệnh viện vệ tinh không phát triển sẽ không thể giảm tải được vì thế hệ thống bệnh viện vệ tinh sẽ tiếp tục được tăng cường”, bà Tiến cho biết.
Bộ trưởng Tiến cũng khuyến cáo, tại các bệnh viện vệ tinh với cơ sở vật chất tốt, kỹ thuật được chuyển giao thực hiện được như tuyến trên thì người dân không nên vượt tuyến đi khám chữa bệnh vừa khổ sở vì quá tải, chật chội, tốn kém lại rất dễ nhiễm trùng chéo. Bởi môi trường bệnh viện là nguồn lây nhiễm tất cả các bệnh, càng quá tải, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Những trường hợp nhẹ, những trường hợp tuyến dưới điều trị tốt người dân không nên vượt tuyến lên tuyến trên.
Bài và ảnh: Hồng Hải