“Khám BHYT thông tuyến huyện toàn quốc, bệnh viện tư nhân không đạt chuẩn sẽ bị loại”

(Dân trí) - “Quy định thông tuyến quận/huyện trong toàn quốc giúp cho bệnh nhân khám BHYT nhiều cơ hội. Đồng thời, các bệnh viện tư nhân trong danh sách hợp đồng ủy nhiệm khám chữa bệnh theo BHYT cũng cần điều chỉnh lại chất lượng phục vụ. Nếu tụt hạng do khả năng khám chữa bệnh thấp, bệnh viện sẽ bị loại khỏi danh sách”.

“Khám BHYT thông tuyến huyện toàn quốc, bệnh viện tư nhân không đạt chuẩn sẽ bị loại” - 1

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT(BHXH VN) trao đổi với PV Dân trí liên quan tới Công văn 943/BHXH - CSYT vừa được BHXH VN ban hành.

Mục đích của Công văn 943/BHXH-CSYT nhằm phần nào giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT thời gian qua. Theo đó, Công văn 5388/BHYT-CSYT của BHXH VN ban hành ngày 30/12/2015 chỉ quy định thông tuyến khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến quận/huyện trong cùng 1 tỉnh.

“Nay quy định mới đã cụ thể hóa quy định khám chữa bệnh thông tuyến được quy định tại khoản 3, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT kể từ ngày 01/01/2016. Người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Quy định thông tuyến quận/huyện khám chữa bệnh còn giúp các bệnh viện tư nhân có cơ hội đón thêm nhiều bệnh nhân. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, đồng thời với việc thông tuyến quận/huyện trong cả nước, cơ quan BHXH địa phương và các Sở Y tế phải rà soát lại việc xếp hạng tương đương của bệnh viện tư nhân theo diện ủy nhiệm khám chữa bệnh theo thẻ BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN)
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN)

“Nếu vì lý do khách quan, đơn vị khám chữa bệnh đó phải chuyển từ hạng 2 xuống hạng 3 thì các bên phải làm rõ nguyên nhân xuống hạng. Nếu nguyên nhân xuống hạng do không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thì giám đốc BHXH địa phương đó quyết định việc có ký HĐ khám chữa bệnh ủy quyền tiếp với đơn vị khám chữa bệnh đó” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Cụ thể hóa nội dung này, Công văn 943/BHXH-CSYT cũng nêu rõ: Cơ quan BHXH các tỉnh, thành cần phối hợp với Sở Y tế và các bệnh viên tư nhân năm 2016 có điều chỉnh phân hạng từ tương đương bệnh hạng 1, hạng 2 xuống tương đương bệnh viện hạng 3, hạng 4 hoặc không xếp hạng (bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều chỉnh phân hạng vào cuối năm 2015) để kiểm tra xác định rõ nguyên nhân xuống hạng, rà soát lại khả năng cung ứng dịch vụ y tế.

Đồng thời, cơ quan BHXH tỉnh, thành đề xuất ý kiến về việc có tiếp tục hay không tổ chức hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh nêu trên, báo cáo kết quả về BHXH trước ngày 15/4.

Theo Bảo hiểm xã hội VN, đến cuối năm 2015, cả nước có 70 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 76% số dân. Trong đó, có 9 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình.

“Với người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện từ ngày 1/1 đến ngày Công văn này được ký (21/3), cơ quan BHXH các tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán, tổ chức giám định để chi trả trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Trên cơ sở người bệnh có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ nhưng chưa được hưởng quyền lợi BHYT tại bệnh viện…” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm