Quy định thông tuyến có hiệu lực: Bệnh viện kém chất lượng có nguy cơ đóng cửa
(Dân trí) - Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội, TPHCM cho hay: Quy định thông tuyến BHYT có hiệu lực, giúp người dân được tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến huyện và khiến các bệnh viện “èo uột” lâu nay đến bờ vực phải đóng cửa vì không còn bệnh nhân.
Theo bà Huyền, trước đây, khi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến phường xã, quận huyện nhưng đi khám chữa bệnh ở những cơ sở khác không phải điểm đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì bị xem là không đúng tuyến và chỉ được hưởng 70% mức chi của BHYT.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2016, Thông tư 40 (TT40/2015/TT-BYT) về khám và điều trị thông tuyến bảo hiểm y tế đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, người tham gia BHYT khi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến quận huyện thì được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố nhưng vẫn được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi của BHYT. Đây là điểm đổi mới của Thông tư 40 theo hướng có lợi cho người dân, giúp cộng đồng tự do chọn cho mình bệnh viện ưng ý nhất khi đi khám chữa bệnh.
Gần 2 tuần sau khi thông tư chính thức có hiệu lực, cán cân bệnh nhân giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến đã bắt đầu có sự thay đổi. Tại bệnh viện quận đầu tiên được xếp hạng I trên địa bàn TPHCM là bệnh viện quận Thủ Đức, số bệnh nhân đã tăng từ 3.600 lên đến 4.400.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bệnh viện Quận 2. BS Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, cho hay: “Bà con đến khám và điều trị tại bệnh viện đã liên tục tăng trong những ngày qua. Hiện mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 1.700 lượt bệnh nhân. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong số gần 20% bệnh nhân gia tăng so với cùng kỳ tháng trước, hầu hết là người bệnh đăng ký bảo hiểm y tế tại những cơ sở khác mà trước đây bị xem là trái tuyến.”
Để ứng phó với nguy cơ sẽ xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân, các bệnh viện đang rốt ráo mở thêm bàn khám, mở rộng quy mô giường bệnh. Trong khi bệnh viện quận Thủ Đức lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng thêm một khu nhà cao tầng mới thì bệnh viện Quận 2 bắt tay vào sửa chữa, nâng cấp các khu nhà cũ và lên kế hoạch xây dựng thêm khu khám, điều trị mới cùng trang thiết bị hiện đại để phục vụ người bệnh.
Trái ngược với tình trạng trên là nguy cơ bệnh nhân bỏ đi nơi khác tại nhiều bệnh viện quận huyện vốn đã “èo uột” lâu nay. Theo phân tích của bà Lưu Thị Thanh Huyền cho thấy, trước đây khi chưa thông tuyến bảo hiểm y tế thì người bệnh muốn được hưởng quyền lợi phải điều trị đúng tuyến theo quy định, các bệnh viện chất lượng không tốt những vẫn ngẫu nhiên có bệnh nhân.
Nhưng hiện nay, người bệnh được tự do lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu thì chẳng ai muốn đến những cơ sở yếu kém. Nếu các bệnh viện không chủ động đầu tư chuyên môn, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thì nhiều khả năng sắp tới sẽ có bệnh viện không còn bệnh nhân. Nếu tình huống này xảy ra, chúng tôi buộc phải cắt hợp đồng BHYT đối với những cơ sở không có bệnh nhân hoặc có quá ít người bệnh.
Cũng theo phân tích của bà Thanh Huyền, việc tự do khám chữa bệnh tại tất cả các bệnh viện quận huyện trên địa bàn tỉnh, thành phố sẽ tạo kẽ hở để những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế khi đi khám, lấy thuốc cùng lúc tại nhiều bệnh viện. Để tránh tình trạng trên, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã triển khai phần mềm thông tuyến tại tất cả các bệnh viện, dưới sự quản lý của Bảo hiểm Xã hội.
Trước mắt, phần mềm trên sẽ giúp kiểm tra nhanh đối với những bệnh nhân đến khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Khi bệnh viện cơ sở truy cập vào phần mềm này, nếu bệnh nhân vừa khám tại cơ sở khác thì ngay lập tức phía bệnh viện sẽ được cảnh báo để có hình thức xử trí thông qua việc tư vấn và tìm hiểu các nguyên nhân liên quan. Nếu cùng một loại bệnh nhưng khám chữa liên tiếp trong thời gian ngắn tại nhiều cơ sở khác nhau, người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
Vân Sơn