Bộ Y tế chuyển 6 vụ vi phạm an toàn thực phẩm sang cơ quan điều tra

(Dân trí) - Ngày 24/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có đến 6 vụ vi phạm an toàn thực phẩm phải chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Ông Phong cho biết, kết quả thanh tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 159 nghìn cơ sở được thanh kiểm tra, hậu kiểm. Trong đó đã nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền là trên 31 nghìn cơ sở với số tiền gần 20 tỷ đồng; Đình chỉ 72 cơ sở; Đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm.

Ông Phong cho rằng phải công khai các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất để tăng tính răn đe, để người dân có thể biết và tẩy chay các sản phẩm kém an toàn. Ảnh: Tú Anh
Ông Phong cho rằng phải công khai các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất để tăng tính răn đe, để người dân có thể biết và tẩy chay các sản phẩm kém an toàn. Ảnh: Tú Anh

Về vi phạm nhãn mác, có 231 cơ sở phải khắc phục; 1482 cơ sở có sản phẩm phải tiêu huỷ. Trong đó, tiêu hủy 1590 loại thực phẩm do không đảm bảo an toàn như hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Riêng Cục ATTP từ đầu năm đến nay đã phạt 15 cơ sở với tổng số tiền 934 triệu đồng, dừng lưu thông 8 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm vi phạm. Giám sát, thu hồi, tiêu hủy 22 loại thực phẩm với gần 102 tấn của 4 cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm vi khuẩn theo cảnh báo.

Đặc biệt Cục An toàn thực phẩm đã chuyển 6 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra. Trong đó có 4 vụ khi cơ quan chức năng thực hiện hậu kiểm lấy mẫu chất lượng sản phẩm không đạt công bố, dưới 70% theo quy định và 2 vụ nghi giả tài liệu khi làm các thủ tục hành chính.

Phải công khai vi phạm an toàn thực phẩm

Ông Phong cho rằng, việc thực hiện nghị định mới về ATTP đã tạo điều kiện thông thoáng tối đa vấn đề tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm. Các doanh nghiệp (trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt) tự công bố, tự chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, cơ quan chức năng thực hiện hậu kiểm, phát hiện sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, việc tự công bố, không có nghĩa là doanh nghiệp thích gì công bố đó, mà phải đạt “trần” giới hạn an toàn mà ủy ban tiêu chuẩn codex đã ban hành. Trách nhiệm doanh nghiệp rất lớn, nếu công bố không đúng đưa ra thị trường, khi cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm không đạt chất lượng không chỉ phạt mà thu hồi, tiêu huỷ, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm", ông Phong nói.

Thời gian tới công tác hậu kiểm cũng sẽ được tăng cường, tập trung vào nhóm thực phẩm nhập khẩu (thuộc đối tượng miễn kiểm tra nhà nước), phát hiện vi phạm sẽ thu hồi, tiêu hủy và công bố vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, ông Phong cho rằng cần phải công khai các hành vi, tên của các cơ sở sản xuất vi phạm an toàn thực phẩm để cảnh báo người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần thông tin rộng rãi về các cơ sở sản xuất an toàn. Còn nếu xử lý mà không công bố đầy đủ nội dung vi phạm, tên cơ sở vi phạm đến cộng đồng là không đạt yêu cầu.

Ông Phong cho biết thêm, ngoài vấn đề hậu kiểm, tiếp nhận thông tin qua các kênh phản ánh của người dân là rất quan trọng. Như tại Cục ATTP luôn có đường dây nóng, có người trực, công khai tất cả số điện thoại, email của lãnh đạo Cục để người dân có thể phản ánh thông tin.

Để thêm kênh cung cấp thông tin về ATTP cho người dân, ông Phong cho biết hiện cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm đang được gấp rút hoàn thành, cố gắng xong trong tháng 6. Khi đó, người dân có thể vào cơ sở dữ liệu này để xem sản phẩm mình mua xem đã công bố chất lượng, cơ sở sản xuất có đạt điều kiện về ATTP hay chưa. Qua đó nhằm tránh mua phải những sản phẩm kém sản xuất chui, kém chất lượng, chưa được cơ quan quản lý cho phép như Vinaca.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm" được triển khai từ ngày 15/4 - 15/5/2018. Tại Trung ương và địa phương sẽ lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tú Anh