Bạc Liêu:

Bắt hơn 18 tấn tôm có chứa tạp chất

(Dân trí) - Từ năm 2017 cho đến nay, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện và bắt hơn 18 tấn tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh này.

Cả trăm trường hợp vi phạm

Một báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2017, ngành chức năng đã tổ chức hơn 100 lượt thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận chuyển tôm nguyên liệu trong địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 64 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất với số lượng 11.927 kg (tạp chất chủ yếu là Agar và CMC).

Trong đó, tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu 24 trường hợp, thu gom tôm nguyên liệu có chứa tạp chất 23 trường hợp, vận chuyển tôm nguyên liệu có chứa tạp chất 17 trường hợp. Các ngành chức năng đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 2,9 tỷ đồng.

Một vụ bắt tôm tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Một vụ bắt tôm tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Riêng đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 55 lượt thanh, kiểm tra và phát hiện 41 trường hợp vi phạm, với tổng số lượng là 6.738 kg (trong đó 16 trường hợp tổ chức bơm chích, 4 trường hợp thu gom và 21 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất); đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính 41 trường hợp với tổng số tiền là hơn 1,720 tỷ đồng.

Đơn cử như trong 2 ngày 15-16/7, lực lượng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với CSGT Bạc Liêu và cơ quan liên quan bắt giữ 2 trường hợp xe khách đang vận chuyển hơn 150 kg tôm chứa tạp chất (chủ yếu Agar) trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi và TP Bạc Liêu.

Tháng 5/2017, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh về việc không để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn phụ trách. Nếu không thực hiện đúng nội dung đã cam kết thì chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và chịu xử lý theo quy đinh.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã và thành phố cùng các ngành chức năng cũng tiến hành tổ chức cho 21 Chủ tịch UBND cấp xã, 857 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và 13.479 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không mua bán tôm có chứa tạp chất và không để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu trên địa bàn phụ trách.

Cần kiểm tra điểm đến cuối cùng là các nhà máy chế biến thủy sản

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất, cơ bản có giảm về số vụ vi phạm và giảm về quy mô, tính chất vụ việc vi phạm (chia nhỏ số lượng tôm để bơm chích tạp chất, lượng tạp chất đưa vào trong con tôm cũng ít hơn). Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và vận chuyển, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

“Từ đó, rất khó đạt mục tiêu đưa ra là đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh”, báo cáo của Sở NN&PTNT nhận định.

Một vụ bắt tôm chứa tạp chất vừa qua trên địa bàn huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, để việc ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất và kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất có hiệu quả, các ngành chức năng liên quan cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và các thủ tục hành chính về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP), Trung tâm quản lý chất lượng vùng V và Tổ kiểm tra, chống bơm chích tạp chất (Bộ NN&PTNT) thực hiện thanh, kiểm tra đối với các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (đây được xem là điểm đến cuối cùng của tôm nguyên liệu có chứa tạp chất).

Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất trên địa bàn phụ trách theo đúng tinh thần cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh.

Huỳnh Hải