Vụ Trịnh Xuân Thanh, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm gì?

(Dân trí) - Qua việc nâng đỡ cho ông Trịnh Xuân Thanh, từ việc không buộc ông này chịu trách nhiệm khi để PVC thua lỗ trên 3200 tỷ, đưa về Bộ Công Thương, từng bước để ông này thăng tiến qua các chức vụ, rồi luân chuyển, giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (hiện đã bàn giao chức vụ Bộ trưởng, làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Đức) đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc khá nặng về trách nhiệm liên quan.


Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã từng nổi tiếng với câu nói trước Quốc hội:Quản lý thị trường phải nếm phân bằng miệng

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã từng nổi tiếng với câu nói trước Quốc hội:"Quản lý thị trường phải nếm phân bằng miệng"

Về hưu cũng phải chịu trách nhiệm

Trong các ngày qua, một số cơ quan báo chí đã đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, người mới kết thúc nhiệm kỳ (hiện làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Đức). Báo Lao động đặt tít: "Truy trách nhiệm dung túng, bao che của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng với các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh"; Báo Tiền Phong nêu vấn đề: "Thua lỗ hơn 3.200 tỷ: Cần xem xét trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng"...

Những cách đặt vấn đề trên hoàn toàn chính xác. Bởi theo chính kết luận của Ban Kiểm tra Trung ương, với những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mà lãnh đạo PVN đã có kết luận ông Thanh phải chịu trách nhiệm trước việc kinh doanh thua lỗ (một số cá nhân, đơn vị cấp dưới còn bị khởi tố), thì cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là có trách nhiệm.

Cụ thể, trong kết luận của Ban Kiểm tra Trung ương đã nêu: "Việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ".

Chính vì điều này, cơ quan kiểm tra của Trung ương Đảng yêu cầu: “Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Cty PVC. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015”.


Ngay sau khi nghỉ hưu, ông càng thêm điều tiếng, nhất là chuyện con trai ông-Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ngay sau khi nghỉ hưu, ông càng thêm điều tiếng, nhất là chuyện con trai ông-Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Công Thương

Như vậy, trong thời gian tới việc xem xét, kiểm tra với dấu hiệu vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng, trên cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ (thứ 2) của ông (2011-2015) đã được nêu rõ.

Trả lời báo chí về những kết luận và yêu cầu trên của Ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương cho rằng, "Việc PVC thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng thuộc lĩnh vực do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách, nếu ông Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát 3.200 tỷ đồng mà ông Hoàng không biết, thì cũng phải bị kỷ luật".

"Nếu ông Hoàng biết thất thoát, thua lỗ mà đồng ý đề xuất ông Trịnh Xuân Thanh về làm Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì ông Vũ Huy Hoàng cũng có khuyết điểm và càng đáng bị kỷ luật nặng hơn”, ông Hương nêu quan điểm.

Theo cựu Phó ban Tổ chức Trung ương, với trường hợp ông Vũ Huy hoàng: "Xét về mặt quản lý cán bộ thì phải chịu trách nhiệm, kể cả khi đã về hưu cũng không phải là hết trách nhiệm".

Kỷ cương bị buông lỏng

Một trong những điều cần làm rõ là sau thời gian làm lãnh đạo tại PVC, để doanh nghiệp này thua lỗ nghiêm trọng, thất thoát vốn Nhà nước và đã bị công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thôi các chức vụ lãnh đạo thì ông Trịnh Xuân Thanh đã không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI.

Ông Thanh không tự biết sai phạm để rút lui lại tự đề nghị. Nhưng lãnh đạo, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng vẫn làm quy trình, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo từ thấp đến cao cho ông này tại Bộ Công Thương và đồng ý cho ông Thanh luân chuyển đi Hậu Giang là đã vi phạm các nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ. Tuy ở đây có trách nhiệm tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhưng cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không thể không có trách nhiệm với vai trò người đứng đầu, là Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương.

Nhưng ngoài việc có những dấu hiệu vi phạm, có trách nhiệm liên quan đến việc bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng có nhiều dấu hiệu về yếu kém trong vai trò người đứng đầu, lãnh đạo, điều hành ngành công thương trong 2 nhiệm kỳ ông làm Bộ trưởng, đặc biệt trong công tác quản lý nhân sự.

Chính vì điều này, tại hội nghị của ngành công thương chiều ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua ở Bộ Công Thương "có nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến uy tín ngành, tạo những dư luận không tốt về ngành". Theo Thủ tướng, bộ máy của Bộ Công Thương thơì gian qua là cồng kềnh, dẫn đến "kỷ cương bị buông lỏng".

Liên quan đến trách nhiệm của Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong nhiều vấn đề quản lý ngành công thương, Dân trí sẽ đề cập chi tiết hơn trong các bài viết tiếp theo.

Hà Nguyễn